Thị trường tiêu thụ vải thiều năm nay đã được củng cố ngay từ trong nước và tăng sản lượng xuất khẩu ở nhiều quốc gia, trước những lo ngại về ảnh hưởng thị trường xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Vải trúng mùa, được giá

Theo anh Bùi Đức Văn (thôn Kép 2B, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), 10 ngày nay, vải thiều ở Lục Ngạn tiêu thụ khá tốt với mức giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, tuy nhiên đó là loại vải trồng trên các đồi cao chín sớm, quả nhỏ và thịt không ngon, còn vải thiều chính vụ đã bắt đầu cho thu hoạch lác đác cũng có giá khá tốt.

Cụ thể, vải U Hồng của Lục Ngạn đang có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, vải lai Thanh Hà giá khoảng 20.000 đồng/kg. Đồi vải nhà anh Văn có gần nghìn gốc sẽ cầm chắc trong tay khoảng 8 tấn quả tươi. “Nếu tính thời giá đầu mùa, gia đình sẽ thu về số tiền lãi không dưới 100 triệu đồng, sau khi đã trừ mọi khoản chi phí đầu tư”, anh Văn hồ hởi.

Phó Chủ tịch xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn), ông Trần Đăng Sáng cho biết, khoảng một tuần nữa, thị trường và giá vải mới thực sự được xác lập, nhưng hiện tại các hoạt động giao dịch buôn bán vải chín sớm, đầu vụ giữa người dân địa phương với thương lái Trung Quốc đang diễn ra bình thường.

vvai-thieu_sdwp.jpg Vải thiều Lục Ngạn năm nay được mùa, được giá 
Ghi nhận ngay tại xã, không chỉ có thương lái Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp từ các tỉnh xa đã rục rịch đi “săn” những vườn vải đẹp, đặc biệt là các vườn vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Năm ngoái, loại hàng này luôn có giá cao hơn vải bình thường từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất lên tới trên 40.000 đồng/kg, bán ngay tại vườn.

 

Sức mua trong nước dự báo tăng cao

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải năm nay của cả tỉnh đạt khoảng 140.000 tấn, trong đó Lục Ngạn dẫn đầu với 90.000 tấn, tăng 18.000 tấn so với năm ngoái.

Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, thị trường xuất khẩu vải thiều năm nay đón nhiều tin vui: 50% sản lượng vải Lục Ngạn dành xuất khẩu Trung Quốc và đây vẫn là thị trường có sức tiêu thụ nhiều nhất. Ngoài ra, qua thông tin từ doanh nghiệp, ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia, thậm chí thị trường nước Nga, số lượng đơn đặt hàng nhập vải nhiều hơn trước. Sau Trung Quốc, thị trường Nhật Bản năm nay cũng đã đặt hàng 3.000 tấn vải tươi.

“Vấn đề lớn nhất của vải thiều hiện nay là ở khâu bảo quản. Nếu thành công trong ứng dụng công nghệ bảo quản vải tươi theo công nghệ của Nhật Bản, các nước châu Âu, thậm chí là Mỹ, cũng được kỳ vọng là thị trường tiềm năng của vải thiều Lục Ngạn”, ông Tấn phấn khởi.

Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, lượng vải thiều tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng tăng đột biến.

Giám đốc Quan hệ công chúng của Siêu thị Big C, ông Hồ Quốc Nguyên cho biết, chỉ đưa vải vào siêu thị từ đầu tháng 6 nhưng qua theo dõi mỗi ngày, sản lượng bán ra trung bình toàn hệ thống đã lên tới 5 tấn/ngày, gấp 3 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. “Big C đã có kế hoạch tổ chức thêm các chương trình giảm giá, khuyến mãi lớn kích cầu cho mặt hàng này, dự kiến mức tiêu thụ đạt 30 tấn/đợt cuối tuần”, ông Nguyên nói.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, vải thiều là loại quả đặc biệt trong thời điểm này và các doanh nghiệp thành viên sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho vải thiều trước những lo ngại  mặt hàng này có thể gặp trở ngại khi xuất khẩu. Bà Loan cho hay, ngay trong tuần này, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội sẽ tham dự hội nghị lớn do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) chủ trì nhằm thảo luận, sớm triển khai giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều ngay ở thị trường nội địa./.