Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, vải thiều của tỉnh Bắc Giang sẽ bước vào thời gian thu hoạch chính vụ. Dưới cái nóng như thiêu như đốt của những ngày đầu tháng 6, trên các đồi vải thiều trĩu quả, người dân các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nô nức thu hoạch vải sớm.

Các gia đình tranh thủ huy động bà con họ hàng và thuê thêm cả chục lao động để thu hái vải. Ngay ở trung tâm xã đã có hàng chục thương lái đặt điểm cân, thậm chí nhiều “cò” còn lặn lội vào tận nhà dân để đặt hàng trước nhằm thu mua được những quả vải thiều đẹp, phục vụ cho xuất khẩu.

Anh Nguyễn Văn Duẩn, ở thôn Hoa Quảng, xã Tân Mộc cho biết, hơn 6 ha vải thiều của gia đình đã bắt đầu chín đỏ, với giá bán tại vườn từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái khoảng 7.000 đồng/kg. Nếu giá vải ổn định như hiện nay, gia đình anh sẽ thu lãi gần 200 triệu đồng.

“Gia đình ước tính sản lượng thu hoạch năm nay từ 7 - 10 tấn vải tươi. Giá vải năm nay cao hơn năm ngoái 1 chút, nếu trừ hết chi phí với giá khoảng hơn 25 nghìn đồng/kg, mỗi nhà cũng có khoản thu nhập khá khá từ trồng vải”, anh Duẩn chia sẻ.

Ông Ngô Ngọc Điển, ở xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn băn khoăn cho rằng, lo ngại của người trồng vải hiện nay không phải là sản lượng nhiều hay ít mà là vấn đề đầu ra khi vải thiều vào chính vụ.

“Trong những khó khăn của nông dân về sản xuất thì khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm. Đầu ra của sản phẩm hiện nay cần phải ổn định về giá cả thì nông dân mới yên tâm đầu tư”, ông Điển cho hay.

vt2_gozr.jpg 

Thương lái chờ cân vải để vận chuyển đi các tỉnh.

Năm 2014, tổng diện tích trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang khoảng 33.000 ha, sản lượng đạt hơn 140.000 tấn quả tươi, tăng 5.000 tấn so với năm 2013. Trong đó, diện tích trồng vải theo Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt - VietGap là 8.500 ha tập trung ở huyện Lục Ngạn, có giá cao gấp 1 -1,5 lần.

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tỉnh Bắc Giang đang tổ chức việc đăng ký tạm trú, tạm vắng thuận lợi nhất cho các thương nhân nước ngoài đến thu mua vải tại địa phương. Ước tính, vụ vải thiều chính vụ thường có tới hơn 1.000 thương lái hoạt động thu mua nông sản tại Bắc Giang, trong đó có khoảng trên 250 thương nhân Trung Quốc sang giám sát quá trình thu mua đóng gói để xuất khẩu về nước.

Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Để mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, địa phương đã và đang tăng cường xúc tiến thương mại với các thị trường ở khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời chú trọng thị trường nội địa với việc tăng cường ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu nông sản thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.

“Địa phương rất mong có sự quan tâm của Bộ Công Thương trong việc định hướng cho doanh nghiệp đầu tư cùng với nông dân Lục Ngạn hình thành các vùng chuyên canh, đưa thị trường vải thiều xuất khẩu chính ngạch sang các nước và thị trường tiềm năng như: Australia, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hoa Kỳ…”, ông Tấn đề xuất.

Theo bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), vải thiều là một trong những mặt hàng nông sản rất được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên vấn đề tiêu thụ nông sản vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ, trong đó có việc chế biến và bảo quản sau thu hoạch.

“Các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu luôn có nhu cầu rất lớn về vải thiều nhưng cũng đòi hỏi rất cao về mặt chất lượng, công nghệ và quy trình sản xuất. Việc này Việt Nam có thể làm được nhưng đòi hỏi sự quyết tâm phải đầu tư vùng nguyên liệu, các công nghệ chế biến sau thu hoạch và quy trình sản xuất. Ngành công thương cần phải huy động các doanh nghiệp có tiềm năng như Tổng công ty rau quả Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu”, bà Thảo nêu rõ.

Làm thế nào để tiêu thụ hết vải thiều ở Bắc Giang không phải là câu hỏi bây giờ mới có. Câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều năm nay, và nếu chỉ riêng tỉnh Bắc Giang thì rất khó trả lời câu hỏi này./.