Đủ chiêu trục lợi hoàn thuế giá trị gia tăng
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, lũy kế từ đầu năm 2022, ngành Thuế đã thực hiện được 4.031 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 362,594 tỷ đồng. Các hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT được ngành Thuế nhận diện và triển khai đấu tranh ngăn chặn.
Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế cho biết, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, nhiều đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế. Đặc biệt, các đối tượng thành lập DN “ma”, mua bán hóa đơn lòng vòng, kê khai nâng khống hàng hóa xuất khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế đã nhận diện được nhiều hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT. Cụ thể, các doanh nghiệp trực tiếp hoàn thuế GTGT (gọi tắt là F0) tiến hành với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, có tổ chức.
Theo đó, các doanh nghiệp này sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào để lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu như việc ký kết hợp đồng giữa F0 với các doanh nghiệp trung gian (gọi tắt là F1, F2, F3...) được diễn ra tại các địa phương, hàng hóa mua bán qua nhiều khâu trung gian, diễn ra lòng vòng, giao dịch thanh toán qua ngân hàng và được các đối tượng giao dịch chuyển khoản và rút tiền mặt ngay trong ngày.
“Một thủ đoạn được các doanh nghiệp F1, F2, F3...được các đối tượng thành lập trong thời gian ngắn và dùng thủ đoạn di chuyển địa điểm liên tục hoặc không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh,...”, đại diện Tổng cục Thuế thông tin.
Để ngăn chặn hành vi gian lận tiền hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế...Tuy nhiên, các hành vi gian lận tiền hoàn thuế ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn vô cùng tinh vi.
Điển hình đã có một số trường hợp gian lận trong hoàn thuế diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, Lạng Sơn và Cục Thuế tỉnh Đồng Nai và Lạng Sơn đã ban hành quyết định truy hoàn với tổng số tiền truy hoàn và chậm nộp là: 278,36 tỷ đồng, đồng thời cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra để điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.
Công tác quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở
Thực tế, mức độ vi phạm ngày càng gia tăng và tinh vi, phức tạp. Các hành vi như: thành lập doanh nghiệp để bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, câu kết với các doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp nước ngoài để kê khai, khấu trừ thuế GTGT, hạch toán chi phí…, diễn ra khá nghiêm trọng với mức độ ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Phương thức, thủ đoạn thường gặp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT là thành lập nhiều doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, có trường hợp qua vài chục doanh nghiệp, cho đến khi hóa đơn được hợp pháp hóa, bằng cách mua bán hàng hóa thật, xuất hóa đơn thật.
Theo các chuyên gia về thuế, để xảy ra tình trạng như trên là do công tác quản lý vẫn còn nhiều kẽ hở. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cần sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cũng như vấn đề hậu kiểm đối với doanh nghiệp sau khi thành lập, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe…
Thời gian qua, để thành lập doanh nghiệp chỉ cần đăng ký; còn nội dung đăng ký như nơi ở, chứng minh nhân dân thật, địa chỉ nơi đặt văn phòng có thực hay không đều chưa được kiểm tra trước và sau đăng ký, việc thực sự bỏ vốn để hoạt động kinh doanh không phải là điều kiện bắt buộc để đăng ký kinh doanh. Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế quản lý sau khi cấp phép có hiệu quả nhằm giám sát quản lý doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của luật pháp.
“Cơ quan thuế cần tăng cường công tác hậu kiểm, chú ý hóa đơn chứng từ đầu ra, đầu vào nếu có nghi vấn tiến hành kiểm tra xác định hành vi của các đối tượng, xem xét trụ sở, địa điểm kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp doanh nghiệp. Các ngành, địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Cúc đề nghị.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hơn nữa trong công tác phòng ngừa và đấu tranh các hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế GTGT thông qua việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoàn thuế GTGT./.