Bé Nguyễn Khánh Ngân (29 tháng tuổi, ở Trương Định, Hà Nội) bị viêm tai giữa và phải điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Chị Phạm Thị Dung, mẹ của cháu bé chia sẻ, trước đó bé cũng đã phải điều trị một đợt viêm phế quản, viêm tai giữa nhưng không khỏi. Đợt này, bé bị sốt cao nên bác sĩ cho vào viện điều trị.
Chị Dung cũng chia sẻ, thời gian gần đây bé đi lớp nên thường xuyên bị ho. “Ban đầu bé bị ho, sốt trên 38 độ. Gia đình đưa bé đến phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản phổi. Bác sĩ cũng kê đơn kháng sinh cho bé uống nhưng vẫn không thấy đỡ. Cháu sốt cao, uống hạ sốt không giảm nên gia đình đưa cháu vào bệnh viện”- chị Dung nói.
Trao đổi với phóng viên, BS Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bé Ngân là một trong nhiều trường hợp bị kháng kháng sinh tại bệnh viện. Vì vậy việc lựa chọn kháng sinh điều trị cho những trường hợp này sẽ khó khăn hơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần.
“Cha mẹ không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ. Có những bệnh không nhất thiết phải dùng kháng sinh và nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ có tình trạng bệnh để được tư vấn, dùng thuốc đúng liều, hợp lý và thời gian hợp lý”- BS Vũ Thị Mai cho biết.
Chảy nước mũi, viêm tai không nên vội dùng kháng sinh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu như trước đây cứ thấy trẻ chảy nước mũi thành dịch xanh, dịch vàng là mặc nhiên coi đó là nhiễm khuẩn và dùng kháng sinh thì ngày nay, sau khi các nhà nghiên cứu lấy dịch xanh vàng đó cấy vi khuẩn nhưng lại không phát hiện vi khuẩn mọc lên, do đó dùng kháng sinh không có tác dụng.
Vị chuyên gia này cho rằng, lúc đầu trẻ thường hay chảy mũi nhiều, sau đó thành dịch vàng và xanh thì nghĩa là lúc đó trẻ đã sắp khỏi bệnh. Lúc này trẻ có thể ho mạnh khiến nhiều cha mẹ lầm tưởng là bệnh nặng lên nhưng kỳ thực là bệnh đang sắp khỏi. Vì vậy, nếu trẻ chỉ bị mũi thông thường thì chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, hút rửa là trẻ tự khỏi, không phải dùng kháng sinh.
Tương tự, với trẻ bị viêm tai cũng vậy, trước đây đa số đều được chỉ định dùng kháng sinh song cập nhật mới nhất hiện nay cho thấy, nếu trẻ viêm tai mà không chảy nước tai (thường gọi là viêm tai ở các triệu chứng nội soi) thì cha mẹ nên theo dõi tiếp trong 2 ngày sau đó.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thông thường có đến 50-80% đứa trẻ sẽ tự khỏi trong 2 ngày sau đó mà không cần dùng thuốc gì. Điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi sát sao, trường hợp 2 ngày sau đó nếu thấy triệu chứng nặng lên thì cần cho con đến khám tại bác sĩ chuyên khoa, lúc đó bác sĩ kê thuốc vẫn chưa muộn, không gây ảnh hưởng gì đến trẻ, không gây biến chứng gì. Việc lạm dụng kháng sinh dễ khiến làm gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc gây lo ngại cho cộng đồng”- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, đa kháng thuốc như hiện nay là do việc lạm dụng kháng sinh. Trong đó có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ mà không theo đơn bác sĩ, coi kháng sinh là thuốc trị bất kỳ bệnh gì. Trên thực tế, có nhiều trẻ hiện nay chỉ viêm đường hô hấp trên nhưng phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới với liều cao hoặc kết hợp kháng sinh để điều trị. Đây là nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ em Việt Nam trong dài hạn.
“Kháng kháng sinh có nguyên nhân từ cả người bệnh và thầy thuốc. Nếu thầy thuốc kê đơn thuốc chưa hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhi phụ thuộc vào phụ huynh trong việc sử dụng thuốc trong khi ở nước ta, các bậc phụ huynh có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh để chữa mọi bệnh cho con, nhà thuốc tự ý bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn. Chính vì vậy, Việt Nam nằm trong các quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất trên thế giới”- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, ngoài việc nâng cao nhận thức và trình độ sử dụng thuốc của thầy thuốc, người bệnh phải sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ thì cộng đồng cần chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm vaccine, tăng cường miễn dịch… và chủ động phối hợp điều trị nâng cao hiệu quả sử dụng kháng sinh trị bệnh./.