Tìm kiếm thị trường mới, đầu tư công nghệ chế biến sâu, tăng cường gắn kết vùng nguyên liệu trong thương mại và tiêu thụ nông sản là những giải pháp đang được các doanh nghiệp triển khai cùng với những giải pháp đồng bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona khiến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị tác động không nhỏ, nhiều mặt hàng nông sản giá giảm chạm đáy.
Ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh. |
Với ngành dăm gỗ, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức đã giảm mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Bởi dăm gỗ xuất khẩu giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng, thay vì khai thác rừng sản xuất dăm, các hộ trồng rừng có thể phát triển rừng gỗ lớn, mang lại giá trị cao hơn.
“Giảm dăm gỗ xuất khẩu sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, gỗ MDF, viên nén nhiên liệu gia tăng số lượng này rất nhiều để làm ra những sản phẩm giá trị cao đó là lợi thế trong thời điểm này. Dịch còn kéo dài thì nhận thức của doanh nghiệp chắc chắn sẽ chuyển hướng rất tốt. Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đồng tình và đã chuyển hướng như hiện nay một số doanh nghiệp làm dăm mảnh ở Trung Quốc hiện đã chuyển hướng mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, viên nén nhiên liệu”, ông Quyền cho hay.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam – VASEP, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do viêm đường hô hấp cấp virus corona chưa có, nhưng đơn hàng hay việc điều chỉnh đơn hàng đang chậm lại. Đến nay, một số hãng tàu biển lớn đã ngưng nhận các container hàng thủy sản chở đi Trung Quốc.
Đối với các thị trường như: Liên minh Châu Âu, Mỹ, đầu năm nay đã sang đánh giá và thăm nhà máy chế biến nhưng hiện nay tạm ngừng, chỉ đánh giá từ xa. Hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu, đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam.
“Sẽ thúc đẩy các cơ hội để tranh thủ sản xuất không chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch. Thông tin những nhà nhập khẩu ở Trung Quốc cho biết, Việt Nam cần chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Vì những dịch như thế này có thể sau 3 - 5 tháng mà dập được dịch thì việc điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt như không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi. Lúc đó nhu cầu thực phẩm sẽ tăng cao nhưng sẽ là những hàng đồ hộp, đông lạnh để có thể chế biến chín”, ông Nam nhận định.
Không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động mà ngay tại thị trường trong nước nhiều doanh nghiệp, hệ thống siêu thị cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona sẽ khiến người dân chuyển sang dùng đồ hộp, đông lạnh. |
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc tổng công ty thương mại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp hiện có chuỗi siêu thị Hapromart và đang kết nối thường xuyên thu mua các mặt hàng nông sản ở các địa phương. Trong bối cảnh này, sẽ tăng cường kết nối với các địa phương và Hiệp hội ngành hàng để thu mua nông sản, đặc biệt là những nông sản đang bị ứ đọng ở biên giới không xuất được sang Trung Quốc.
“Hiện nay thanh long Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhưng cũng có thị trường rất lớn nữa là Mỹ. Được biết là Bộ NN&PTNT chuẩn bị có đoàn công tác sang Mỹ. Đây là cơ hội chúng tôi sẽ cùng vào cuộc với các doanh nghiệp khác để mở rộng thêm thị trường tiêu thụ thanh long ở Mỹ và một số thị trường khác”, ông Sơn nói.
Trong tháng 1 giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm đến 14% do ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Tác động của dịch đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thương mại nông sản của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, những giải pháp trọng tâm mà Bộ đã và đang triển khai là yêu cầu tổng rà soát lại khối lượng nông sản, các nhóm mặt hàng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cụ thể theo từng tháng, từ nay cho đến những tháng cuối năm, căn cứ diễn biến tình hình của từng giai đoạn để có phương án ứng phó. Đồng thời tăng cường công tác thương mại trong nước; tập trung chế biến sâu với sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến trên cơ sở liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu giảm bớt xuất khẩu tươi. Song song đó kiểm tra lại tổng kho dự trữ đông lạnh để đưa một số sản phẩm vào ướp đông lạnh kéo dài thời gian trong phân phối thương mại.
“Ngay trong tháng này sẽ xúc tiến thương mại tại một số thị trường như cử 1 đoàn công tác sang Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất); một đoàn tiếp tục sang thị trường Mỹ, thị trường Nhật Bản, thị trường Brazil và các thị trường khác nhằm chiến lược dài hơi. Chúng ta phải nhìn nhận rằng cũng có cơ hội tạo một áp lực bức bách để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp sâu hơn trên cơ sở chuỗi liên kết”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đồng hành cùng Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới. Đồng thời lưu ý các doanh nghiệp cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài, từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh./.Lương thực, thực phẩm có bị thiếu hụt do ảnh hưởng dịch virus corona?