Là một trong những người đầu tiên trồng chè nơi vùng cao xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, anh Phạm Văn Doanh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, áp dụng kỹ thuật và quy trình chăm sóc hiện đại, tạo ra các sản phẩm chè xuất khẩu, cho thu lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm, trở thành tỷ phú trồng chè nơi vùng cao Phổng Lái.

vov_trong_che_ozwt.jpg
Anh Phạm Văn Doanh là một trong những người đầu tiên trồng chè nơi vùng cao xã Phổng Lái.

Trò chuyện cùng anh Phạm Văn Doanh trong một sớm mùa đông se lạnh, bên tách trà Ô long thoảng hương nhè nhẹ, anh chia sẻ: Quê anh ở tỉnh Hưng Yên, do đam mê làm nông nghiệp nên năm 1999, khi ấy anh 31 tuổi đã quyết tâm lên xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La lập nghiệp. Nhớ thuở ban đầu mới làm trang trại, gia đình anh trồng khoảng 6ha cà phê, nhưng sau 2 đến 3 năm triển khai, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nơi đây đã xóa sổ toàn bộ diện tích cà phê của gia đình.

Thua vụ cà phê, khó khăn chồng chất nhưng không nản chí, năm 2002 anh tiếp tục nghiên cứu trồng cây chè, khi ấy vẫn là chè lai giống cũ, năng suất, chất lượng, đầu ra đều không thuận lợi. Tuy nhiên anh nhận thấy rằng, cây chè có nhiều tiềm năng phát triển ở nơi đây.

Sau đó, anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chè Kim Tuyên, lấy cây giống ở tỉnh Lâm Đồng về, vừa trồng xen kẽ vừa loại bỏ dần những cây chè giống cũ. Bằng việc áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến như tưới ẩm; cắt tỉa, thu hái đúng thời điểm; thời gian cách ly đảm bảo...trang trại trồng chè của gia đình anh đã cho kết quả khả quan, năng suất, chất lượng đều cao hơn so với giống chè cũ.

Đồi chè của anh Phạm Văn Doanh.

Phấn khởi khi đã chọn được giống cây trồng hợp lý, gia đình anh tiếp tục thu mua, đổi bán đất với bà con xung quanh để mở rộng diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, anh cũng chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

"Khó khăn lớn nhất ban đầu là cách chọn giống cây phù hợp với địa phương, thì chúng tôi đã tìm ra giải pháp này. Khó khăn tiếp theo là quy hoạch vùng trong khi đó nhận thức của người nông dân còn rất hạn chế", anh Phạm Văn Doanh chia sẻ.

Từ 6ha làm trang trại ban đầu, đến nay anh có 29ha trồng chè Kim Tuyên, cùng với đó liên kết và bao tiêu sản phẩm cho 300 hộ dân trong khu vực. Chè sau khi thu hái đều được đưa vào nhà máy, nằm ngay tại trang trại để chế biến theo đúng quy trình an toàn.

Toàn bộ quy trình chỉ mất khoảng 48 tiếng, sẽ cho ra các sản phẩm trà Ô Long, trà xanh duỗi, trà hồng, trà đen, sau đó được đóng bao quy cách và xuất khẩu trực tiếp sang Đài Loan với sản lượng 300 tấn/năm, cho doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng.

Sản phẩm chè đưa vào lò sấy.

Anh Phạm Văn Doanh cho biết, hiện tại anh đang có một mô hình thiết kế nhà máy công suất khoảng 800 tấn sản phẩm chè búp khô trên một năm để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản, và tiến tới là trồng thêm hoa nhài để ướp hương và tiến tới là thực hiện theo phương pháp hữu cơ, trồng thêm hoa nhài để ướp hương.

Ngoài liên kết và bao tiêu sản phẩm cho 300 hộ dân, anh Doanh còn tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động địa phương với mức lương từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng, qua đó giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, yên tâm lao động sản xuất.

Là người được liên kết, bao tiêu sản phẩm và được làm việc trực tiếp tại trang trại nhà anh Doanh, bà Cà Thị Sỏi, bản Lốm Púa, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La phấn khởi nói, "sau khi làm công việc thu hái chè của gia đình, lúc nông nhàn tôi đến nhà anh Doanh làm thêm để tăng thu nhập, từ đó kinh tế gia đình ổn định, khá hơn".

Trở thành tỷ phú trồng chè nơi vùng cao nhiều khó khăn, anh Phạm Văn Doanh đã minh chứng ý chí dám nghĩ, dám làm, lập nghiệp, làm giàu chính đáng bằng nỗ lực và niềm đam mê./.