Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa gắn với đời sống của người dân Quảng Nam hàng trăm năm trước. Từ năm 2000 đến nay, nghề này gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường tơ lụa thế giới làm cho đầu ra gặp khó khăn. Những biền dâu xanh mướt dọc bãi bồi ven sông Thu Bồn và Vu Gia nhường chỗ cho các loại cây trồng khác. Các làng nghề nổi tiếng một thời chỉ còn tiếng khung cửi lách cách. Từ thực tế đó, Quảng Nam đã đưa ra chủ trương khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương này.

vov_dau_prmn.jpg
Biền dâu vùng bãi bồi xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trải một màu xanh.

Sau gần 5 tháng đưa vào trồng thử nghiệm, hơn 3ha dâu tại thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã lên xanh tốt. Dự án thí điểm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại đây có sự tham gia hỗ trợ của doanh nghiệp và ngành chức năng ở tỉnh Quảng Nam.

Bà Trần Thị Bảy, người dân thôn Bến Đền Tây từ lâu mong muốn được quay trở lại với nghề này. Tháng 5 vừa qua, bà Bảy cùng với 12 hộ nông dân trong thôn tham gia dự án thí điểm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại vùng Gò Nổi.

Dự án do Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty Cổ phần Tơ lụa Hội An thực hiện. Gia đình bà Bảy cũng như các hộ dân ở đây được xã giao đất, HTX hỗ trợ làm giếng bơm, kéo điện bơm nước trồng dâu. HTX Nông nghiệp Điện Quang hỗ trợ mỗi sào đất trồng dâu 20 ký phân NPK; Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cấp phí giống dâu GQ2; khi có kén công ty tiếp tục hỗ trợ nong nia, bao tiêu sản phẩm với giá tối thiểu 145.000 đồng/kg.…

Tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Bà Trần Thị Bảy, thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, mấy chục năm nay, giờ mới nuôi lại tằm, tuy cực khổ nhưng mà vui. Bây giờ ra được con kén thì thấy công sức nhiều, hơi vất vả. Khôi phục lại nghề này có công ăn việc làm cho dân. Nếu được giá thì so với các cây trồng khác, trồng dâu ổn định hơn. Khoảng 20 ngày là có thu nhập rồi, đỡ được chi tiêu trong gia đình.

Để khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm dọc sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam tiến hành khảo sát lại vùng trồng dâu trước đây, chọn những nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để quy hoạch trồng dâu. So với trước đây, điều kiện đất đai, cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn, như: hệ thống điện đã được kéo ra tận đồng đảm bảo cho việc tưới.

Về quỹ đất dành cho việc phát triển cây dâu thì toàn bộ vùng ven sông Thu Bồn- Vu Gia từ huyện Nông Sơn đến các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn đều có thể quy hoạch thành vùng trồng dâu tập trung.

Ông Văn Bá Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Chúng tôi sử dụng kinh phí phát triển sản xuất trong vốn Nông thôn mới, sản xuất theo hướng chuỗi giá trị. Hiện nay phân bổ mỗi xã là 120 triệu đồng để giúp cho dân và giúp cho doanh nghiệp khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm".

Sản phẩm tơ lụa tại làng lụa Hội An.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành quy hoạch vùng, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa khu vực ven sông, bãi bồi; liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất hàng hóa. Tỉnh này cũng đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, kết nối với hộ nông dân hoặc tổ chức đại diện hộ nông dân như: HTX, Tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu dâu; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư trồng dâu, nuôi tằm. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu về tơ lụa phục vụ cho chế biến sâu.

"Các doanh nghiệp du lịch và chế biến hàng thủ công mỹ nghệ cùng phối hợp thành một chuỗi giá trị khép kín ven sông Thu Bồn. Các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề với tỉnh Quảng Nam nghiên cứu mở rộng vùng nguyên liệu cũng như hình thành các làng du lịch, các khu sản xuất chế biến tập trung thành hàng thủ công mỹ nghệ và các chế phẩm khác xuất phát từ nghề trồng dâu nuôi tằm này", ông Thanh cho hay./.