Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc hôm nay (9/3) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (thước đo lạm phát) trong tháng 2 của quốc gia này chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn con số ước tính 2,1% của các chuyên gia kinh tế Bloomberg.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2% trong tháng 2. PPI là chỉ tiêu tương đối phản ánh xu hướng và đo lường mức độ biến động giá bán của các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu trên thị trường sơ cấp. Đây là tháng thứ 24 liên tiếp chỉ số giá sản xuất của quốc gia này giảm và là giai đoạn sụt giảm dài nhất kể từ năm 1999 tới nay.

Dữ liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc công bố ngày hôm qua cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 18,1% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, khiến cho thâm hụt thương mại của quốc gia này lên mức lớn nhất trong vòng 2 năm.

Tình trạng giảm phát và giảm giá chỉ số sản xuất có thể sẽ giúp chính phủ Trung Quốc có nhiều thời gian hơn để tiến hành công cuộc cải cách kinh tế sâu rộng nhất kể từ năm 1990 tới nay. Tuy nhiên nó cũng có thể khiến cho việc nới lỏng tín dụng diễn ra chậm hơn.

Trong tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã đưa ra mục tiêu đưa chỉ số lạm phát tiêu dùng đạt mức 3,5% trong năm nay.

Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc đã bị biến động lớn trong 2 tháng đầu năm do rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tổng cục Thống kê Trung Quốc sẽ công bố số liệu sản xuất công nghiệp, đầu tư bất động sản và hoạt động bán lẻ trong 2 tháng đầu năm vào ngày 13/3./.