Sau thời gian triển khai tương đối thuận lợi, từ đầu năm 2017 đến nay, việc triển khai nghị định 67 tại tỉnh Phú Yên tiếp tục dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía ngân hàng và ngư dân, nhất là sau khi hàng loạt tàu vỏ sắt đóng mới theo Nghị định 67 liên tục gặp sự cố.
Ngư dân Đinh Văn Kích là một trong số ít những ngư dân giỏi ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hoà đang sở hữu một tàu cá trên 400CV. Ông Kích đã có ý định vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản theo để vươn khơi, thế nhưng, sau sự cố tàu của ông Phan Thanh Trị cùng phường liên tục phát sinh sự cố, việc làm ăn thua lỗ, khiến ông Kích đã suy nghĩ lại.
Ngư dân rất muốn có tàu lớn vươn khơi nhưng lại e ngại thua lỗ. |
“Thực hiện Nghị định 67, vừa qua ở phường Phú Đông đã có ngư dân vay vốn đóng được 1 chiếc tàu vỏ sắt, trị giá mười mấy tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó ra khơi, ngư dân không có thu nhập, chuyến biển nào cũng lỗ, tình hình này có vay vốn đóng tàu cũng khó có tiền trả cho ngân hàng”, ông Kích phân trần.
Suy nghĩ của ông Đinh Văn Kích cũng là tâm trạng chung của không ít ngư dân Phú Yên hiện nay. Đặc biệt, sau sự cố một số tàu thép ở Phú Yên và nhất là ở tỉnh Bình Định bị trục trặc sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động khiến ngư dân lo lắng.
Phần lớn bà con sợ chi phí tàu sắt quá lớn, trong khi nguồn lợi ngày một cạn kiệt, khó trả được nợ. Hơn nữa, việc vận hành con tàu sắt đòi hỏi kỹ thuật cao, tổ chức sản xuất phải bài bản, khoa học; trong khi đó, ngư dân lâu nay chưa có nhiều kinh nghiệm.
Không chỉ từ phía ngư dân, trở ngại trong việc triển khai Nghị định 67 tại tỉnh Phú Yên còn xuất phát từ phía ngân hàng. Sau những khởi đầu không mấy thuận lợi của chương trình này, các ngân hàng tỏ ra e ngại và không còn mặn mà tham gia chương trình vì lo ngại khó thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên cho biết, việc triển khai không đồng bộ dẫn tới ngân hàng thấy rất rủi ro. Trong 5 tàu sắt hạ thuỷ đến nay, 2 chiếc tới hạn trả nợ nhưng không trả được, lại không nằm trong diện được cơ cấu lại nợ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, đến nay tỉnh này có 20 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 được đưa vào khai thác, trong tổng số 170 tàu cá được Bộ NN&PTNT phân bổ. Đây là một tỷ lệ thấp trong khi bình quân chung cả nước là 60%.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên giải thích, nhiều ngân hàng bây giờ đang mệt mỏi nên có ý tránh. Cuối năm 2017 sẽ kết thúc chính sách tín dụng trong Nghị định 67 và cập nhật vào nội dung điều chỉnh, bổ sung nghị định 67, chuyển qua hỗ trợ 1 lần sau đầu tư.
Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - ông Nguyễn Chí Hiến đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tiếp tục đôn đốc để chương trình đóng mới tàu cá phát huy hiệu quả, nâng số tàu được đóng mới trong những tháng còn lại của năm nay nhưng không có nghĩa là cố tình kéo dài chương trình này.
“Chúng ta làm thận trọng chặt chẽ nhưng không có nghĩa là kéo dài thời gian. Tinh thần làm sao để đảm bảo yêu phát triển chung của ngành”, ông Hiến nêu rõ.
Triển khai Nghị định 67 tại tỉnh Phú Yên bước đầu đã không thông, đến giai đoạn cuối lại tiếp tục gặp ách tắc. Nếu không có những biện pháp quyết liệt và hiệu quả để thúc đẩy chương trình này thì mục tiêu nâng cao năng lực đánh bắt, hiện đại hoá nghề cá của tỉnh Phú Yên khó thành hiện thực./.
Bình Định: 20 chủ tàu cá vỏ thép nợ quá hạn gần 13 tỷ đồng