Niềm tin của nhà đầu tư – yếu tố sống còn đối với TPDN
Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liên tục gặp khó sau các thông tin tiêu cực liên quan đến hàng loạt doanh nghiệp lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB… Niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay, hoang mang, dẫn tới hiện tượng domino bán tháo trái phiếu, rút tiền hàng loạt.
Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn do nhà đầu tư lo ngại rủi ro, tâm lý bất an muốn rút tiền sớm mặc dù đã gặp gỡ thỏa thuận với các nhà đầu tư và cam kết thanh toán đủ gốc và lãi cho các lô trái phiếu khi đến hạn.
Rõ ràng, một thị trường vốn hiệu quả vừa được hình thành nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Song, “chú chim ra ràng” này lại gặp khó khăn do hiện tượng “một vài con sâu bỏ rầu nồi canh” khiến nhiều DN không thể phát hành trái phiếu mới để đảo nợ vì niềm tin của nhà đầu tư đang bị sói mòn. Trên thị trường, các giao dịch cũng trầm lắng vì các trái phiếu không được mua đi bán lại.
Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách đã được đưa ra để hỗ trợ thị trường, như chính sách giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp hay gói phục hồi kinh tế… Bởi, như Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị mới đây để gỡ khó cho thị trường chứng khoán, TPDN: "Nếu thị trường vốn thất bại, thì các giải pháp khác cũng thất bại”. Tư lệnh ngành Tài chính cũng kêu gọi các DN tham gia thị trường trái phiếu phải lấy lại niềm tin của thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, cùng chung tay thúc đẩy thị trường phát triển.
Điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để có dòng vốn lưu thông; các tổ chức phát hành phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với các nhà đầu tư. DN phải luôn luôn xác định việc thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư là một việc đặc biệt quan trọng để giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu đúng hạn.
Theo ông Nguyễn Vũ Long, Tổng Giám đốc của VNDIRECT, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Hiện nay các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu thì gần đây rất khó khăn. Trong khi đó, kênh trái phiếu trong quý IV/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới. Trong ngắn hạn điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông, từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ tín dụng ngân hàng, nhưng lại không thể cho vay mới khi các ngân hàng đã cạn room.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường trái phiếu cần được cải tổ một cách toàn diện, sự sụp đổ thị trường trái phiếu là hậu quả sự phát triển ồ ạt nhưng không vững chắc. Do đó, giải pháp hiện tại là cần chặn “vết thương đang chảy máu”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường trái phiếu rơi vào khủng hoảng, người bán thì nhiều mà người mua lại không có, bởi trong thời điểm hiện nay chẳng ai dám bỏ tiền mua trái phiếu. Do đó, việc mua lại trái phiếu xuất phát từ 2 phía. Phía nhà đầu tư lo lắng cho túi tiền và tài sản mình bỏ vào. Còn các nhà phát hành (nhất là các nhà phát hành sai quy định) lo lắng bị điều tra, cho nên phải mua trái phiếu của mình một cách vội vàng trước hạn.
“Vậy nên tất cả các bên tham gia điều chịu thiệt, từ nhà đầu tư đến nhà phát hành và cả cơ quan quản lý cũng chịu sức ép. Điều này cũng đẩy các quỹ đầu tư trái phiếu vào tình trạng mất thanh khoản”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trước những diễn biến đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ nên đưa ra chương trình hoãn nợ, cho phép các nhà phát hành trái phiếu trong quá khứ và trái phiếu đến hạn năm nay và năm sau hoãn lại việc trả nợ. Nhưng lưu ý rằng không phải tất cả các nhà phát hành đều hưởng chính sách này mà chỉ những nhà phát hành đúng quy định.
Nếu không thì khi đến hạn mà không được thanh toán (chỉ cần 1 ngày vỡ nợ), trái chủ có quyền đưa ra tòa, yêu cầu bồi thường hoặc mở thủ tục phá sản. Nếu hiện tượng này xảy ra hàng loạt thì vô cùng nguy hiểm. Cho nên, TS. Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh, Chính phủ cần hành động ngay để có thời gian cho doanh nghiệp và thị trường ổn định lại. Về lâu dài, thị trường trái phiếu cần được cải tổ một cách toàn diện, nên quy định tất cả các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải có xếp hạng tín nhiệm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý thêm, tại thời điểm này, khi thị trường chứng khoán xuống dốc mạnh, chưa có dấu hiệu đáy ở đâu và thị trường trái phiếu đóng băng, nhà đầu tư cần phải làm một thử nghiệm về sức chịu đựng của mình. Giả sử nhà đầu tư có 100 đồng vào trái phiếu mà không cần rút ra và điều đó không ảnh hưởng đến cuộc sống hay các hoạt động đầu tư khác của mình thì không cần rút ra. Ngược lại thì nên rút ra sớm.
Một chuyên gia quản lý quỹ của một ngân hàng lớn cho biết, khối lượng doanh nghiệp trái phiếu đáo hạn trong 3 năm tới rất khổng lồ. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu mới để tái cơ cấu nợ trái phiếu cũ. Thêm vào đó, cũng không thể “rút ruột” dòng tín dụng ra để bù đắp dòng trả nợ trái phiếu. Theo chuyên gia này, đây cũng là điểm cần kiểm soát chặt chẽ, tránh gây áp lực, gánh nặng sang thị trường tiền tệ. Đa phần các chủ đầu tư đều mong muốn có thêm thời gian để hoạt động sản xuất kinh doanh với hy vọng có thể hoàn trả dòng tiền nhằm giúp doanh nghiệp trả nợ trái phiếu.
Chuyên gia khuyến cáo chỉ định một công ty quản lý quỹ uy tín để lập 1 quỹ đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ (PHRL) nhằm tạo lập danh mục đầu tư gồm các TPDN PHRL còn “đủ tốt”. Hình thức quỹ là quỹ đóng, không giới hạn số thành viên góp vốn; thời gian hoạt động quỹ được xác định là 5 năm (có thể kéo dài thời gian hoạt động); người góp vốn cho quỹ là các trái chủ, góp vốn bằng chính TPDN PHRL. Bằng cách này, có thể ủng hộ DN phát hành có thêm thời gian triển khai dự án, từ đó, có dòng tiền trả nợ cho trái chủ, không gây áp lực đòi nợ trong thời gian triển khai dự án, bao gồm cả gốc và lãi./.
Từ nay đến cuối năm 2022, thị trường TPDN phải đáo hạn hơn 53.000 tỷ đồng; trong đó, bất động sản chiếm 39%, doanh nghiệp sản xuất khác 19%... Sang năm 2023, số lượng TPDN phải đáo hạn là 284.000 tỷ đồng, năm 2024 đáo hạn 363.000 tỷ đồng.