Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất khâu đàm phán ngày 5/10 vừa qua, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời sẽ là “cú hích” tạo đà phát triển cho nền kinh tế của đất nước. 

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội từ TPP, các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh để sản phẩm hàng hóa Việt Nam có thể hội nhập và có chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn của các nước TPP, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Về mặt kinh tế, Bộ trưởng cho rằng, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Các ngành kinh tế mũi nhọn như dệt may, giày dép, thủy sản... sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường này. Về nông nghiệp, Việt Nam sẽ phải nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

"Lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam còn yếu, nhất là chăn nuôi, do tính chất sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất lao động thấp. Chính vì thế trong đàm phán không chỉ riêng trong đàm phán Hiệp định TPP mà trong cả các hiệp định khác trước đây, chúng ta bao giờ cũng cố gắng để các nước chấp nhận cho Việt Nam có một lộ trình tương đối dài, bảo hộ một cách hợp lý những sản phẩm mà chúng ta còn đang yếu. Nhưng sau lộ trình đó chúng ta phải vươn lên, nhất là việc tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, sẽ phải có những mô hình sản xuất mới, tập trung hơn, quy mô hơn để có điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý.

chan_nuoi_slip.jpg
Nếu không nâng cao khả năng cạnh tranh, ngành chăn nuôi Việt Nam dễ bị "nhấn chìm" sau TPP. (Ảnh minh họa: Internet).

Bên cạnh mảng tươi sáng về tăng trưởng xuất khẩu, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP cũng rất lớn. Việc đưa thuế nhập khẩu về 0% trong các thành viên chịu tác động của TPP sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều. Khi đó các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và sẽ chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.  

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nếu doanh nghiệp không tìm đối sách đầu tư thì lợi ích các Hiệp định thương mại tự do sẽ chủ yếu mang lại cho doanh nghiệp FDI.

“Các doanh nghiệp trong nước phải chủ động trong việc tìm ra giải pháp chiến lược, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sợi, nhuộm và dệt hoàn tất. Chủ động đầu tư mở rộng để giữ được một thị phần nhất định trong các dòng sản phẩm dệt may, xây dựng chuỗi liên kết trong nội khối các doanh nghiệp trong nước để có được hệ thống sản xuất sợi, dệt, nhuộm hoàn tất để lấy được vải trực tiếp của nhau, tận dụng được lợi ích mà Hiệp định thương mại mang đến,” ông Giang nói.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Để nâng lên ngang tầm với những yêu cầu kinh tế quốc tế, Việt Nam cần phải có thời gian để hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí không chính thức… Với các doanh nghiệp, đây sẽ là cơ hội lớn để đổi mới toàn diện.

“Trước hết doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện nhanh chương trình tái cơ cấu đã được thúc đẩy từ mấy năm nay rồi. Phải cổ phần hóa, phải rút bớt vốn, thoái vốn và trên cơ sở đó, đồng bộ với nó là phải đổi mới năng lực quản trị doanh nghiệp, đổi mới năng lực quản trị theo hướng hiện đại,” TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Sau khi hoàn tất khâu đàm phán, Hiệp định TPP sẽ được ký kết trong thời gian không xa. Mặc dù được hưởng lợi nhiều từ hiệp định này, song các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị để cạnh tranh với hàng nước ngoài cũng như thích nghi với các điều kiện khắt khe khi xuất khẩu.

Cùng với đó là đổi mới về công nghệ, sáng tạo trong sản xuất nhằm đáp ứng được những yêu cầu cao nhất của thị trường các nước. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam “làm mới” mình, tạo sức bật cạnh tranh trên thương trường quốc tế./.