Rút khỏi TPP được xếp ở vị trí số 1 trong danh sách 6 “sắc lệnh” đầu tiên mà tân Tổng thống Donald Trump sẽ ban hành sau ngày làm việc tại Nhà trắng 20/1/2017. Quyết định này tuy không bất ngờ vì ông Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng, TPP là một “thảm họa” đối với nước Mỹ. Nhưng với đặc điểm phát ngôn khó đoán định, khiến giới phân tích và dư luận kỳ vọng rằng, trong hành xử ông Trump sẽ có sự điều chỉnh so với cương lĩnh tranh cử trước đó. Vì thế, câu hỏi TPP đang đi về đâu cũng được đặt ra.

Từ “người lo, kẻ mừng”…

Đối với nước Mỹ, ông Obama là người đầu tiên thất vọng vì trong 2 nhiệm kỳ đầy sóng gió của ông, ông hy vọng để lại cho nước Mỹ một di sản lớn có vai trò Đại chiến lược, trong đó có Hiệp định TPP, trụ cột kinh tế trong nỗ lực “tái cân bằng” nhằm khẳng định vị thế của Mỹ trên trường quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD).

hiep_dinh_tpp_bdqf.jpg
12 nước đã tham gia đàm phán TPP (Ảnh minh họa: KT)

TPP là hiệp định tự do thương mại tiêu chuẩn cao, có phạm vi rộng, nội dung vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, nó bao gồm cả các thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ… TPP được thiết kế với nước Mỹ là trung tâm và tham vọng đây là “luật lệ kinh tế thương mại” của thế kỷ XXI, nhất là ở ngay khu vực được coi là phát triển năng động nhất thế giới.

Vì thế, nếu rút khỏi TPP, nền kinh tế Mỹ chịu thiệt hại đầu tiên và nhiều nhất. Ông John Kerry Ngoại trưởng Mỹ thú nhận rằng: “Chúng ta (tức Mỹ) đã từ bỏ việc bảo vệ các quyền lợi của chúng ta và cổ xúy các giá trị phổ quát; chúng ta đã từ bỏ khả năng của chúng ta trong việc định hình các tiến trình, các sự kiện ở một khu vực có tới hơn một phần tư dân số thế giới - nơi mà lịch sử của thế kỷ XXI đang được viết ra”.

Người lo, ắt có kẻ mừng, không có TPP, cũng đồng nghĩa với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ cũng không còn giá trị đây thật sự là một món quà lớn mà ông Trump tặng cho cường quốc khu vực. Đúng như nhận định của Hiệu trưởng trường Hành chính công Lý Quang Diệu tại Singapore rằng: “Trong trò chơi quyền lực giữa các cường quốc, việc Mỹ rút ra khỏi TPP là phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc”.

Ngay tại hội nghị APEC (Peru) cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng “đã đến lúc xây dựng quan hệ đối tác vững mạnh, giải pháp đôi bên cùng thắng và các sáng kiến chiến lược”. Vì nay RCEP không còn đối trọng.

Được biết, RCEP chính thức được khởi động đàm phán tại Phnôm Pênh bên lề thượng đỉnh ASEAN 21 (ngày 20/11/2012) với 16 nền kinh tế CA-TBD, gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand). Tuy nhiên, RCEP chỉ tập trung vào tự do thương mại, hạn chế và xóa bỏ rào cản thương mại mà không đặt ra yêu cầu về bảo vệ môi trường hay cải cách thể chế như TPP.

RCEP Hiệp định có sự tương thích với nội dung chiến lược “Một vành đai, một con đường” với Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc khởi xướng - một chiến lược kéo dài nhiều năm, đầu tư nhiều tỷ USD nhằm mở rộng thương mại và đầu tư của Trung Quốc ra toàn bộ khu vực châu Á.

Theo giới phân tích, vòng đàm phán kế tiếp của RCEP sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 này tại Indonesia, chắc chắn sẽ được quan tâm nhiều hơn do tuyên bố mới nhất của ông Trump về TPP. Tại hội nghị APEC (Peru), Tan Jian thành viên cao cấp của phái đoàn Trung Quốc nói rằng, ngày càng có nhiều nước muốn tham gia RCEP và một hiệp định cuối cùng sẽ sớm ra đời để chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa đang gia tăng.

Đến lựa chọn và chấp nhận…

Mặc dù nước Mỹ của ông Trump sẽ từ bỏ TPP, nhưng nhiều nước trong 11 thành viên còn lại của TPP vẫn tuyên bố về một TPP không có Mỹ, quốc gia tiên phong cho xu hướng này là Nhật Bản với việc Quốc hội Nhật ngày 14/11 đã thông qua quyết định phê chuẩn Hiệp định TPP.

Tuy nhiên, khi vai trò trung tâm của Mỹ mất đi thì đương nhiên TPP không còn như trước, khiến RCEP có thể trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh tất cả các nước đều muốn đẩy mạnh tự do hóa thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo công ăn việc làm trong nước.

Ngay từ tháng 8/2016 các nước Peru, Chile cũng đã trao đổi với Bắc Kinh về việc tham gia đàm phán RCEP. Còn Australia, Nhật Bản hai đồng minh thân cận của Mỹ cũng đã lên tiếng muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán về RCEP.

 Thủ tướng Shinzo Abe nói với quốc hội Nhật ngay trước khi ông lên đường sang Mỹ gặp Tổng thống mới đắc cử Donal Trump rằng: “Nếu TPP bị hủy bỏ, tất nhiên trọng tâm chú ý sẽ dịch chuyển về phía hiệp định do Trung Quốc dẫn dắt”. Việc không có TPP và sự trỗi dậy của RCEP khiến các nước ở CA-TBD chỉ còn sự lựa chọn cung cách làm ăn với Trung Quốc trên tinh thần “thận trọng”…

Đối với Việt Nam, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia TPP, để sẵn sàng trình với Quốc hội. Nhưng TPP có nhiều nước tham gia. Mỹ hiện đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP, nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở trình tham gia. 

Với tinh thần lớn “Việt Nam sẵn sàng tham gia TPP. Tuy nhiên, dù có tham gia hay không tham gia thì chúng ta vẫn là nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chúng ta có 12 hiệp định thương mại tự do khác, cho nên có tham gia TPP thì rất tốt, không tham gia TPP chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập nền kinh tế qua các chương trình đã làm thời gian qua và tiếp tục có chương trình hội nhập quốc tế thời gian tới, kể cả với ASEAN”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, khi ký kết Hiệp định thương mại tự do thì phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nội địa. Chúng ta cần thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, cùng với chủ trương bảo vệ sản phẩm trong nước để xây dựng các tập đoàn, các công ty nhà nước và tư nhân mới phát triển, có thương hiệu để sản xuất, tiêu thụ hàng chúng ta sản xuất ra. “Đây cũng là yêu cầu cấp bách trong quá trình hội nhập khi chúng ta tham gia 12 FTA”.

Như vậy, số phận của TPP đã được định đoạt cho dù kịch bản (TPP không có Mỹ) thì RCEP vẫn là phương án nổi trội với mục tiêu tự do hóa thương mại, trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa đang gia tăng ở cả hai trung tâm kinh tế là Mỹ và châu Âu, khiến giới phân tích cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang gặp lực cản lớn và là bước tụt lùi trong quá trình phát triển, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hình thành./.