Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đã giải ngân được hơn 119.174 tỷ đồng đạt 86,06% so với kế hoạch vốn được giao. Các dự án được lựa chọn đầu tư có trọng tâm, tập trung bám sát 7 Chương trình đột phá của Thành phố. Trong 1.799 dự án đầu tư có 521 dự án chuyển tiếp, 1.278 dự án khởi công mới.

Giai đoạn này có 780 dự án được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng như: các công trình giao thông trọng điểm Cảng Cát Lái, nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông An Sương; đưa vào sử dụng 878 giường bệnh mới, thay thế 1.360 giường và đầu tư phát triển theo định hướng chuyên khoa sâu kỹ thuật cao; đầu tư sửa chữa, xây mới đưa vào sử dụng 7.478 phòng học; đã giải quyết được 25/36 tuyến đường ngập nước… Những công trình này góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết của thành phố về tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết nhu cầu về giáo dục, y tế…

Năm 2022, là năm thứ hai thành phố triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được HĐND Thành phố thông qua là gần 35.517 tỷ đồng; UBND TP.HCM đã giao kế hoạch vốn là hơn 29.464 tỷ đồng, đạt 82,95%. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 8/2022, Thành phố mới giải ngân đạt tỷ lệ 29% so với tổng kế hoạch vốn được giao.

Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố có tiến độ giải ngân chậm, như dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM; dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2; dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, giai đoạn 2. Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, kéo dài. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, các đơn vị chủ đầu tư trong lập, thẩm định, trình phê duyệt dự án và tổ chức thực hiện dự án đầu tư chưa chặt chẽ….

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị: "Các đồng chí cần tập trung đánh giá đúng những mặt tích cực và những mặt hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện pháp luật về đầu tư công trên địa bàn Thành phố; phải giải trình cho được những nguyên nhân vì sao còn hạn chế, đi kèm là trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan của Thành phố; những giải pháp đưa ra như thế nào để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới".

Báo cáo giải trình, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021–2025, trong khi tổng nhu cầu của thành phố khoảng 672.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP thông qua Nghị quyết số 99 ngày 19/10/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 142.557 tỷ đồng, bao gồm vốn từ nguồn bội chi ngân sách Thành phố là hơn 14.873 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách Thành phố là hơn 127.683 tỷ đồng. UBND TP cũng đã trình HĐND TP thông qua thêm 2 Nghị quyết để phân khai chi tiết nguồn dự phòng trung hạn cho các đối tượng đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định. Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Nguồn vốn ngân sách tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng đã phát huy nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước khiến việc triển khai đầu tư công còn gặp khó khăn. Đó là: còn tình trạng một số chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát; một số chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác lập dự án còn chậm so với thời gian quy định. Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt dự toán gói thầu vượt định mức quy định đã được phát hiện và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Đối với tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân dự án, ông Phan Văn Mãi cho hay, quá trình theo dõi, kiểm tra, Thành phố xác định một số nguyên nhân, đó là, công tác lập hồ sơ chưa kịp thời và chưa đồng bộ dẫn đến mất thời gian bổ sung. Vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong theo dõi, kiểm tra; chưa chủ động xử lý các vi phạm của nhà thầu dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh khối lượng, hạng mục… Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

"Chúng tôi thấy công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề lớn trong thời gian sắp tới khi chúng ta triển khai hoàn thiện vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4. Ở đây chúng tôi thấy cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và của người đứng đầu cấp ủy chính quyền thì công tác này mới được giải quyết tốt hơn", ông Mãi nói.

Về giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng cường, thường xuyên đôn đốc các sở, ban, ngành, các địa phương và các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức hiệu quả việc rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án. Linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công./.