Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Nghị định 30/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 26/3/2021 và Nghị định 49/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2021, đã làm "ách tắc" việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và "ách tắc" việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Vì vậy, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị xem xét chỉ đạo tháo gỡ 2 vướng mắc, gồm: quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại "có 100% đất ở", hoặc "có đất ở hợp pháp và các loại đất khác", sau khi đã có "văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư", thì đều không thể thực hiện được thủ tục xác định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Do Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định "trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại", nhưng Điểm c Khoản 2 và điểm a, điểm b Khoản 5 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP chỉ quy định cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư xem xét ban hành văn bản "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư", chứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP không quy định hình thức văn bản "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư", mà "trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại", nên nhiều chủ đầu tư không thể làm được thủ tục này.
Bên cạnh đó, một ách tắc khác tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP đã loại bỏ tất cả các dự án nhà ở thương mại có "các loại đất khác (không phải đất ở)", dù phù hợp với quy hoạch và đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp (không phải đất ở), đều không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nên đã tạo ra "khoảng trống" pháp luật.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nếu không kịp thời xử lý, tháo gỡ, vướng mắc này sẽ làm chậm đà phục hồi của thị trường bất động sản, tạo lợi thế không công bằng cho một số chủ đầu tư đã có sẵn dự án độc chiếm thị trường. Việc giảm dự án, cũng như nguồn cung nhà ở còn khiến giá nhà tiếp tục tăng theo quy luật "cung- cầu" (cung giảm - cầu tăng), khiến người có nhu cầu thực ngày càng khó tiếp cận nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp không thể triển khai thực hiện dự án, dẫn đến "bị chôn vốn", thậm chí có nguy cơ bị phá sản; giảm nguồn thu ngân sách nhà nước./.