Theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, hóa đơn điện tử giúp giảm được từ 60-75% chi phí so với hóa đơn giấy. Tuy nhiên, đến nay, ở TPHCM mới chỉ có hơn 57% doanh nghiệp sử dụng, bởi số lượng lớn hóa đơn giấy in trước đó vẫn còn tồn, một số doanh nghiệp ngại thay đổi, nhất là việc sử dụng hóa đơn điện tử còn nhiều bất tiện.
Chị Giang, kế toán Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam cho biết, mỗi tháng chị xuất khoảng 700-800 hóa đơn điện tử. Do đặc thù của ngành logistics vận chuyển quốc tế, nên mỗi chuyến hàng phải kê khai hàng chục chi phí dịch vụ. Nếu sử dụng hóa đơn giấy thì chị chỉ cần ghi tổng số tiền trên hóa đơn, kèm theo bảng kê chi tiết. Còn theo quy định của hóa đơn điện tử thì doanh nghiệp phải ghi tất cả các chi tiết đó lên hóa đơn. Việc này làm cho kế toán phải mất gấp đôi thời gian so với kê khai hóa đơn giấy.
“Mình phải liệt kê đầy đủ mấy trăm lô hàng lên tờ hóa đơn và kèm bản kê, có nghĩa cùng 1 việc mình phải làm 2 lần. Doanh nghiệp của mình đã có công văn của cục thuế chấp nhận được xuất hóa đơn cùng với bảng kê. Đối với khách hàng dễ tính thì họ chấp nhận cách xuất hóa đơn này, nhưng một số khách hàng khác thì nói cục thuế của địa phương họ không chấp nhận”- chị Giang nói.
Còn với những doanh nghiệp mà đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn thì việc triển khai hóa đơn điện tử cũng gặp vướng mắc. Chị Nguyễn Kim Anh, kế toán Công ty Dược phẩm Tenamyd cho biết: Do điều kiện mạng internet chưa thuận lợi nên khách hàng là nhà thuốc ở vùng nông thôn vẫn yêu cầu công ty giao hàng phải kèm hóa đơn giấy. Một số bệnh viện khi mua thuốc cũng yêu cầu in hóa đơn kèm theo lô thuốc để họ tiện kiểm tra khi nhận hàng.
“Mình xuất hàng thì mình cũng gửi email hóa đơn điện tử cho khách hàng, nhưng đối với khách hàng ít dùng máy in thì họ cũng yêu cầu mình in hóa đơn ra để họ kiểm tra hàng hóa, trong khi hóa đơn điện tử thì hạn chế in ấn. Một số bệnh viện cũng yêu cầu có hóa đơn giấy kèm theo mình in hóa đơn đáp ứng yêu cầu của họ”- chị Kim Anh cho biết.
Giải pháp phần mềm chưa tối ưu
Song song đó, hiện nay có một số đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm cho hóa đơn điện tử vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu, chính điều này gây ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp như: Không đảm bảo lưu trữ, an toàn thông tin, tính ổn định trong quá trình sử dụng và cập nhật thông tin cho hóa đơn chậm khi chính sách thuế có sự thay đổi… TPHCM hiện có hơn 200 đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử. Năm 2018, Cục Thuế TPHCM cũng đã tổ chức thẩm định và có 3 tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử được đánh giá đạt các tiêu chí về nghiệp vụ hóa đơn điện tử.
Ông Đặng Vĩnh Hà, Giám đốc Công ty TNHH hóa đơn điện tử M-INVOICE chi nhánh TPHCM kiến nghị, trong thời gian tới, Cục Thuế TPHCM tiếp tục tổ chức thẩm định và công bố tên doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này để khách hàng có cơ sở lựa chọn:
“Rất mong muốn Cục Thuế TPHCM hoặc cơ quan chức năng có đánh giá lại với tất cả các nhà cung cấp đáp ứng được điều kiện cung cấp phần mềm giải pháp hóa đơn điện tử, năng lực hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực về tài chính theo Thông tư 68 của Bộ Tài chính của Nghị định 119 để các doanh nghiệp cung cấp hóa đơn điện tử yên tâm đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp”.Khi vẫn còn nhiều vướng mắc trong sử dụng hóa đơn điện tử thì Thông tư 68 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định hạn cuối bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử là từ ngày 1/11/2020, điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Những vướng mắc trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử đã được Cục Thuế TPHCM kiến nghị lên Tổng Cục Thuế để xem xét, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Với Luật Quản lý thuế 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì thời hạn bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2022 theo điều 151 của luật này./.