UBND Quận 1 là nơi có sáng kiến khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức thông qua máy chấm điểm tự động, nhằm xây dựng hình ảnh thân thiện của cán bộ, viên chức khi giải quyết công việc và tiếp dân. Hệ thống chấm điểm tự động được gắn trước tất cả quầy tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ thủ tục hành chính. Trên màn hình có đầy đủ tên, tuổi, hình ảnh của những cán bộ, công chức trực tiếp thi hành công vụ.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, một người dân đến làm thủ tục tại trụ sở UBND Quận 1 cho biết: “Do có thay đổi nên những cán bộ phục vụ người dân rất lẹ làng, nhanh gọn. Đánh giá về người cán bộ làm việc tốt thì mình đánh giá tốt, xấu thì đánh giá xấu, phải chính xác”.

vov_thu_tuc_hanh_chinh1_byes.jpg
Đề án thu nhập tăng thêm tại TPHCM tạo động lực để cán bộ, công chức tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Năm 2018, số lượt đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp đến làm việc tại Quận 1 là hơn 25.000 ý kiến, chiếm tỷ lệ 99,27%. Những ý kiến không hài lòng tập trung tại các lĩnh vực: Tư pháp- Hộ tịch, Đăng ký đất đai- Tài nguyên và Môi trường; Kinh tế, Y tế, Văn hóa thông tin và Quản lý đô thị.

Những trường hợp này, UBND Quận 1 đã kiểm tra theo dõi, nhắc nhở để kịp thời sửa chữa, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đây cũng là cơ sở để đánh giá hiệu quả công việc, phân phối thu nhập tăng thêm, đảm bảo tính công bằng, hợp lý.

Không chỉ ở Quận 1, cách làm này đang được triển khai ở các quận, huyện cùng các sở, ngành của TPHCM, nhằm đòi hỏi cán bộ, công chức phải tự hoàn thiện, nâng cao năng lực chuyên môn, thái độ thực thi công vụ. Chính vì vậy, việc giải quyết công việc liên quan đến thủ tục hành chính được nhiều dân, doanh nghiệp ngày càng tin tưởng và đánh giá cao.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Gò Vấp, đây là năm đầu tiên triển khai đề án thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức nên việc đánh giá phải dựa vào nhiều tiêu chí cụ thể, khoa học; tạo không khí thi đua, đảm bảo chính xác, công bằng và phải chủ động cân đối nguồn thu nhập tăng thêm. 

"Trước hết, anh em cán bộ công chức, viên chức được hưởng thu nhập tăng thêm rất vui. Đây là sự động viên, qua đó anh em có thêm niềm tin và sự phấn khởi, từ đó nỗ lực để công tác tốt hơn theo hướng tận tâm hơn", ông Nguyễn Trí Dũng nói.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2018,  thành phố giải quyết khoảng 17,8 triệu hồ sơ nhưng chỉ ghi nhận được 88.600 lượt đánh giá là tỷ lệ rất thấp. Vì vậy, năm nay tất cả các phường - xã - thị trấn trên địa bàn phải công bố được tỷ lệ hài lòng người người dân; 24 quận - huyện phải tổ chức tiếp nhận trực tuyến ý kiến của người dân, qua điện thoại, với thời gian xử lý cụ thể trong vòng 2 giờ đến 5 ngày.

“Coi sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp chính là thước đo công việc, là cơ sở để trả thu nhập tăng thêm. Năm nay đột phá là triệt để, đồng bộ và tăng tốc, phải động đến tình cảm của cán bộ công chức và người dân”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

TPHCM có thể coi như là một siêu đô thị với hơn 10 triệu dân; nhiều năm qua luôn giữ được sự tăng trưởng kinh tế cao và đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Hoạt động kinh tế, giao thương luôn sôi động, từ đó đặt ra yêu cầu cải cách thủ tục hành chính phải nhanh gọn, hiệu quả, bắt nhịp kịp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã.

Trung bình một ngày, thành phố phải giải quyết hơn 38.400 hồ sơ trong khi số lượng cán bộ, công chức nòng cốt chỉ có hơn 15.000 người. Từ thực tế này, TPHCM đã sớm triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, liên thông thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp. 

Trong đó, đề án thu nhập tăng thêm đang được thành phố thực hiện là một giải pháp phù hợp, không chỉ gắn chặt trách nhiệm của cán bộ, công chức với việc làm để phục vụ người dân mà còn giảm được nhiều phiền hà và sự nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp./.