Chiều 27/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức Hội thảo “Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương”. Theo báo cáo, TP HCM vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế với những thế mạnh trong thương mại, đầu tư. 

nguyen-cam-tu.jpg
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại hội thảo

Theo báo cáo, nhóm 10 địa phương dẫn đầu về Chỉ số năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương là: TP HCM , Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên và Thừa Thiên Huế. Nhóm 10 địa phương đứng ở vị trí sau cùng của bảng xếp hạng là Yên Bái, Trà Vinh, Đắk Nông, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bình Phước, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng. Nhóm Giảm hạng lại là những địa phương chưa tận dụng và khai thác hiệu quả những lợi thế của địa phương mình, gồm Cà Mau, Bến Tre, Điện Biên, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng... 

Về thương mại, ngoài TP HCM và Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng lọt vào danh sách có kim ngạch trao đổi hàng hóa tốt, tiếp đến là An Giang, Kiên Giang... Xét về đầu tư, TP HCM , Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu và Hà Nội vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hai địa phương tụt hạng là An Giang và Long An.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Kết quả của bản báo cáo có thể là nguồn tham khảo tốt cho các địa phương trong việc đưa ra các lựa chọn chính về chính sách, hội nhập và phát triển cho mình trên cơ sở, năng lực và điều kiện hiện có. Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu này còn giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như ủy ban quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế có những đánh giá khách quan về tình hình hội nhập kinh tế, quốc tế của địa phương để tư vấn cho Chính phủ ban hành các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế  và là cơ sở để hỗ trợ các địa phương triển khai công tác hội nhập trong thời gian tới./.