Tại Hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 17/12, tại Hà Nội, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) chia sẻ, là doanh nghiệp liên kết với nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới, doanh nghiệp luôn quan tâm và đồng hành tiêu thụ các sản phẩm OCOP của các địa phương.

Thực tế, doanh nghiệp luôn có nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao, là sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền trong cả nước để quảng bá và giới thiệu đến khách hàng trên thế giới qua hệ thống các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay lớn.

vov_ooc_urzr.jpg
Phiên thảo luận về chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước.

“Lượng hành khách nội địa qua các sân bay mỗi năm lên tới 140 triệu lượt, hành khách quốc tế cũng lên tới 40 triệu lượt nên đây là kênh quảng bá tiếp thị và bán hàng rất tốt cho các sản phẩm OCOP của Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết và lưu ý, các sản phẩm OCOP của các địa phương, vùng miền nên có văn phòng đại diện, hoặc khu thương mại tập trung tại các thành phố lớn để thuận tiện cho các doanh nghiệp giao dịch cũng như tiếp cận hàng hóa.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đối với các sản phẩm OCOP, ngoài việc duy trì chất lượng theo đúng cam kết trong hợp đồng, người sản xuất, các doanh nghiệp phân phối cần coi trọng quy cách đóng gói thành phẩm, mẫu mã bao bì. Đặc biệt, nên có cách đóng gói nhiều sản phẩm trong 1 combo để bán được số lượng nhiều nhưng giá thành rẻ hơn sản phẩm đơn chiếc.

“Sản phẩm trong nước có thể không coi trọng mẫu mã bao bì, nhưng sản phẩm xuất khẩu nhất thiết phải được ghi dấu ấn bằng thương hiệu quốc gia, sản phẩm vùng miền sau đó mới là tên sản phẩm. Khách hàng nước ngoài rất quan tâm sản phẩm họ yêu thích xuất xứ từ quốc gia nào, sau đó mới cần biết sản phẩm đó tên là gì. Điều này ở các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm OCOP của Việt Nam vẫn chưa làm được”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao. Mặc dù vậy, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chỉ được biết đến ở địa phương mình, chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài. Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Cao Quốc Hưng, Hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” là một sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động triển khai Chương trình OCOP năm 2019 của Bộ Công Thương.

Một trong nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Với nhiệm vụ chính là phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, năm 2019, Bộ Công Thương đã xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất. Bộ cũng đã tổ chức các Hội nghị kết nối các sản phẩm nêu trên vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước.

“Hội nghị sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà sản xuất, các nhà phân phối, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của mình. Đây sẽ là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các đặc sản vùng miền vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên cả nước và hướng đến xuất khẩu”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định./.