Áp lực thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu càng lúc càng đè nặng lên vai người nông dân. Những ngày qua, thời tiết bất lợi đã làm cho người trồng lúa ở ĐBSCL thiệt cả về giá, năng suất lẫn chất lượng và tiêu thụ. Thậm chí một số nơi, thương lái thẳng thừng từ chối không mua lúa. Điều này đẩy nông dân ĐBSCL lâm vào cảnh khó khăn trăm bề.

Tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn

Mưa trút xuống liên tục trong nhiều ngày qua làm nông dân trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL không khỏi lo lắng. Tại tỉnh Sóc Trăng, tuy diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch nhiều, song ảnh hưởng của thời tiết cũng làm một số nơi tại địa phương này bị trì trệ. Theo đó, năng suất và chất lượng lúa giảm dẫn đến việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

thumualuagaolamgi.jpg
Nông dân đang gặp khó khăn trong tiêu thụ lúa vụ Hè Thu(Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Anh Nguyễn Văn Vỹ ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng nhìn thửa ruộng đang thu hoạch lo lắng: trời mưa đã làm năng suất 4 ha lúa PC10 của gia đình giảm đáng kể, việc bán lúa cũng khó khăn khi thương lái liên tục ép giá. Gần  2 ha lúa đã thu hoạch xong, năng suất chỉ đạt khoảng 4,5 tấn/ha, trong khi thương lái chỉ mua với giá 3.750 đồng/kg, khó có lời.

Anh Vỹ cho biết: “Vụ này làm chắc không có lời vì chi phí phân bón, thuốc trừ sâu đã hơn 1 triệu. Tiền xới, tiền cắt, tiền giống cũng vừa đủ trong đó rồi, kể như là bỏ công luôn. Bây giờ giá lúa quá mền, giá này làm ra không có lời”.

Mưa xuất hiện nhiều và kéo dài cũng làm cho chị Lại Thị Đậm (huyện Mỹ Tú) đứng ngồi không yên. Hơn 10 công lúa hè thu bị đổ ngã hoàn toàn, không thể thu hoạch bằng máy, phải cắt tay khiến chi phí thu hoạch tăng cao. Bên cạnh đó, lúa ướt, chất lượng kém, năng suất giảm, thương lái chê từ chối thu mua.

Chị Đậm than thở: “Giờ chắc bán cũng khó vì mình cắt tay, nếu mình cắt máy người ta sẽ ra tới ruộng coi, cắt tay thì họ chê không mua”.

Nông dân bị thương lái ép giá

Một vấn đề nữa đang tồn tại và ảnh hưởng đến giá lúa hè thu là kiểu thu mua lúa hiện nay. Do không có công ty nào tổ chức mua lúa trực tiếp với nông dân mà hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên nhiều nông dân thường bị các thương lái mặc sức ép giá nếu như chưa được kêu giá trước lúc thu hoạch. Nhiều bà con còn phải “neo” lúa lại ngoài đồng dù lúa đã chín tới vì chưa tìm được thương lái mua.

Anh Nguyễn Văn Vỹ ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú cho biết thêm: “Bây giờ muốn cắt lúa phải đi kiếm ghe trước hoặc kiếm cò cho coi lúa trước mới dám cắt, nếu cắt trước ra lúa rồi họ ém mình chết luôn”.

Mặc dù chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ đã được triển khai hơn 2 tuần nay, tuy nhiên, thực tế tình hình tiêu thụ lúa ở đồng bằng Sông Cửu Long vẫn chưa được cải thiện. Theo nhiều bà con nông dân, hiện giá lúa tươi loại thường thu hoạch máy tại tỉnh Sóc Trăng chỉ khoảng 3.700 đồng – 3.900 đồng/kg; đối với lúa tươi hạt dài giá cũng chỉ trên 4.000 đồng/kg. Riêng lúa bị đổ ngã phải cắt bằng tay giá rất thấp khoảng 3.000 đồng/kg, song nông dân vẫn khó bán được lúa bởi thương lái chê lúa ướt, kém chất lượng.

Ông Phạm Minh Kết, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú cho biết: “Chủ trương của Chính phủ dự trữ lúa gạo, hỗ trợ đảm bảo cho người nông dân làm sao có lợi nhuận 30%. Nhưng vừa qua, khi thực hiện, người nông dân cũng chưa trực tiếp hưởng lợi. Bởi vì chủ yếu thông qua tạm trữ hỗ trợ cho doanh nghiệp, còn lại người dân thì thông qua thương lái, giá cả, thị trường như thế nào phải chấp nhận theo giá nấy”.

Một lần nữa, áp lực thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu lại gây nhiều khó khăn trong người nông dân. Trước tình cảnh này, để đảm bảo nông dân được lợi nhuận tối thiểu 30% theo chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ lại là một thách thức lớn cần giải quyết, để giúp nông dân có lãi, yên tâm bước vào sản xuât các vụ tiếp theo./.