Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ tổng lượng hàng trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, hệ thống siêu thị ở Hà Nội cơ bản chuẩn bị đủ lượng hàng hóa phục vụ Tết. Tuy nhiên, dự báo sức tiêu thụ sẽ giảm trong dịp Tết Quý Tỵ, bởi mức thu nhập của đại đa số người dân đều giảm do kinh tế gặp khó khăn.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội về nội dung này.
Ông Vũ Vinh Phú: Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, công bố toàn thành phố chuẩn bị 6.000 tỷ đồng hàng hóa, trong đó có 2.000 tỷ đồng hàng bình ổn giá, chiếm khoảng 30% quỹ hàng hóa phục vụ tháng Tết, bao gồm 11 nhóm hàng thiết yếu, như thịt lợn, gạo, dầu ăn, đường, thủy hải sản tươi sống và một số mặt hàng khác.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội (ảnh: Báo Hải quan) |
Về điểm bán, có 500 điểm bán hàng bình ổn giá trên toàn thị trường, tập trung vào hàng hóa của các tổng công ty thương mại như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), các trung tâm thương mại: Etimex, Fivimax và các doanh nghiệp ở quận. huyện; đồng thời có hàng trăm chuyến hàng phục vụ đến các vùng nông thôn, khu công nghiệp. Công tác quản lý thị trường được Ban 127 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, công an thành phố tăng cường kiểm soát hàng lậu, hàng giả và vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời các doanh nghiệp cố gắng đảm bảo ký kết hợp đồng mua hàng hóa sớm, mua hàng tận gốc để phục vụ nhân dân, nhất là từ ngày ông công, ông táo đến 29 Tết.
Ông Vũ Vinh Phú: Năm nay, dự đoán của Sở Công Thương vào Hội siêu thị thì sức mua có suy giảm khoảng 18 - 20% so với năm ngoái. Hiện nay, các nhà sản xuất kinh doanh cũng đang rụt rè trong việc sản xuất. Có ai đặt hàng mới sản xuất, vì vậy các nhà kinh doanh phải thận trọng các nguồn hàng, nhất là phải thận trọng với chất lượng để phục vụ nhân dân. Đối với hàng nông sản, thực phẩm thì lo nhất là thịt lợn. Hiện nay, khoảng 30% hộ chăn nuôi bỏ trang trại, bỏ chuồng trại do đầu vào thức ăn gia súc tăng cao và thịt lợn hơi không lên được 38.000 đồng/kg, cho nên người nuôi chán nản ở mức độ nhất định. Như vậy có thể sẽ phải bù vào, nhập khẩu thịt lợn, gia cầm ở một lượng nhất định để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tốt. Mặt khác, phải tiếp tục khuyến khích sản xuất để tái đàn, để từ nay đến tháng 2 có thể có lứa lợn, lứa gà phục vụ cho nhân dân.
Các hàng hóa bánh kẹo, chè thuốc không có tăng mấy vì hàng hóa dồi dào, chỉ có mấy mặt hàng tăng giá là thịt lợn, thủy hải sản, gà ta thì có thể có biến động từ 23 đến 29 Tết tăng giá khoảng 30%, còn các mặt hàng khác không có tăng giá đột biến./.