Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2012 của Bộ Công Thương cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm so với tháng 12 năm 2011 chỉ tăng 2,52%, đây là mức tăng khá thấp so với nhiều năm trở lại đây (6 tháng đầu năm 2005-2011 của các năm thông thường tăng từ 2,68%- 5,2%, riêng năm 2008 tăng 18,44%, năm 2011 tăng 13,29%).

Trong cơ cấu CPI 6 tháng đầu năm, ngoài nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,22% thì nhóm lương thực đã giảm khá sâu, giảm 4,68%. Chính sự giảm sâu của nhóm lương thực đã giữ cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp nhất trong 11 nhóm hàng (chỉ tăng 1,09%). Các nhóm giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng sau khi tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm do giá xăng dầu, gas tăng cao thì sang tháng 5 và 6 đã giảm liên tục do giá các mặt hàng này giảm.

Nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 6,28% do việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm xã hội và một số dịch vụ khác. Các nhóm còn lại tăng từ 2,08-4,77%.

Nguyên nhân làm hạn chế sự tăng giá thời gian qua là do: từ cuối tháng 4, giá nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu xu hướng giảm, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định do đó ít tác động vào yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất;

Nhu cầu tiêu thụ giảm, đặc biệt là cầu trong nước. Do sức tiêu thụ hạn chế nên mặc dù trong những đợt điều chỉnh giá xăng dầu, tăng lương,… việc tăng giá do tâm lý như thông thường lâu nay vẫn diễn ra thì trong 6 tháng vừa qua hầu như ít xảy ra; bên cạnh đó đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá…;

Giá nhiều hàng hóa thiết yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI biến động theo chiều hướng giảm hoặc ở mức thấp đã góp phần kiềm chế mức tăng chỉ số giá chung; Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả… được tăng cường cũng đã góp phần hạn chế việc tăng giá tùy tiện./.