TP.HCM có gần 2,5 triệu khách hàng sử dụng điện, đây là nơi tiêu thụ điện năng lớn nhất của cả nước. Năm 2018, thành phố tiêu thụ 24,5 tỷ kWh điện thương phẩm, tăng gần 6,8% so với năm 2017. Vài tháng gần đây, do nắng nóng kéo dài nên điện năng tiêu thụ tăng đột biến. Trong khi đó, cách tính giá điệnmới như hiện nay đang làm cho nhiều người dân bức xúc.

gia_dien_mnru.jpg
Nhiều người dân ở TPHCM cảm thấy bức xúc với cách tính giá điện mới như hiện nay.

Mấy ngày nay, thời tiết ở TP.HCM nắng nóng gay gắt, nhưng con gái anh Phạm Văn Hà nhà ở đường Nguyễn Trãi, Quận 5 chỉ mở quạt để ôn bài. Vì 2 tháng gần đây, hóa đơn tiền điện của gia đình tăng gấp đôi mấy tháng trước, dù chỉ số công tơ chỉ tăng hơn 70%.

“Gia đình rất tiết kiệm các thiết bị không cần thiết đều tắt. Lúc nóng nực, gia đình sử dụng 1 chút máy lạnh, nhưng không biết cách tính hóa đơn tiền điện luỹ tiến thế nào mà tiền điện tăng lên thế này thì không hợp lý. Tôi mong cơ quan chức năng xem xét lại tính cho hợp lý hơn”, anh Hà kiến nghị.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cũng rất bất ngờ, vì chỉ số công tơ chỉ tăng 60 kWh điện, nhưng hóa đơn tiền điện trong kỳ 1 tháng 4 và kỳ 1 tháng 5  đã tăng vọt từ gần 780.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng.

“Rất bất hợp lý nếu nói tăng hơn 8,3% giá điện nhưng số tiền tôi trả tiền điện lại tăng rất nhiều. Tôi thấy quy định mức ban đầu mỗi gia đình từ 50-100 kWh rất bất hợp lý, bởi vì nhu cầu sử dụng điện của người dân các thiết bị đã cao hơn rất nhiều. Với sự phát triển của xã hội như hiện nay thì mình cần phải nâng định mức ban đầu lên”, chị Mỹ nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Thái Linh, Giám đốc Công ty Giấy vi tính Liên Sơn cho biết, hóa đơn tiền điện 2 tháng gần đây ở khối văn phòng và nhà máy đều tăng từ 20-30%, dù công ty không tăng sản xuất, không tăng thiết bị điện.

Cụ thể, trong tháng 4, tháng 5 hóa đơn tiền điện ở văn phòng là hơn 40 triệu, ở nhà máy khoảng 177 triệu đồng. Do vậy, ông đang yêu cầu ngành điện lực kiểm tra lại.

“Các thiết bị văn phòng không tăng nhưng tiền điện lại tăng, riêng nhà máy cũng tiền hóa đơn điện cũng tăng mặc dù sản xuất không tăng ca. Chúng tôi sẽ mời nhân viên điện lực xuống thẩm định trở lại và đối soát về đồng hồ điện”, ông Linh cho hay.

Trước sự tăng đột biến hóa đơn tiền điện trong thời gian gần đây, nhiều người dân và doanh nghiệp ở TP HCM cho rằng, mức tính giá mới này tăng rất nhiều chứ không chỉ ở mức 8,36% như ngành điện lực thông báo. Đây là vấn đề và cũng là câu hỏi đặt ra cho ngành điện lực TP HCM nói riêng và ngành điện Việt Nam nói chung là cách tính giá điện bậc thang hiện nay đã hợp lý chưa?./.