Báo cáo số 3489/BCT-ĐTĐL của Bộ Công Thương gửi Chính phủ khẳng định, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (từ 0 – 50 kWh) và bậc 2 (từ 51 – 100 kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp, các bậc thang còn lại có giá cao hơn.

Báo cáo của Bộ Công thương cũng nêu quá trình kiểm tra tại các đơn vị liện lực, khách hàng vừa qua cho thấy tình trạng tăng tiền điện chủ yếu do nắng nóng, kết hợp với việc điện tăng 8,36% và tháng 3 có 31 ngày, nhiều hơn 3 ngày so với tháng 2.

Báo cáo trích dẫn số liệu từ phầm mềm Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) so sánh số liệu thống kê của tháng 4/2019 với bình quân năm 2018 cho thấy, số lượng khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng có giảm, trong khi số lượng khách hàng dùng trên 200 kWh/tháng có tăng, nhưng phần lớn khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước ngay trong tháng 4 nắng nóng cũng chỉ sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng.

Tháng 4/2019 số lượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt dưới 200 kWh/tháng chiếm tỷ lệ 68,15%, trong đó với mức sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng chiếm tỷ lệ 31,6%. Trong khi đó, số lượng khách hàng sử dụng điện trên 200 kWh/tháng chỉ chiếm tỷ lệ 31,85%.

dien23_drfr.jpg
Lượng điện sử dụng trong tháng 4 tăng cao từ 1,5 - 2 lần.

Đánh giá biểu điện bậc thang là cần thiết, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho biết đã chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước. Từ đó nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử đụng điện trên cả nước; đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về ngành điện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ…

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc kiểm tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Điện lực thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực nghiên cứu thay đổi thiết kế của hoá đơn tiền điện cho khách hàng sinh hoạt, để dễ theo dõi kiểm tra, đặc biệt trong tháng có thay đổi giá điện phải áp dụng phương pháp nội suy.

Bên cạnh đó, triển khai thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử cho khách hàng sinh hoạt theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4602/QĐ-BCT về đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính của EVN, thông tin đầy đủ đến các cơ quan báo chí về các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiên của EVN theo đúng quy định; khẩn trương tái cơ cấu EVN theo Quyết định số 168/QĐ-TTg, đặc biệt là việc chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả chức năng vận hành hệ thống điện và vân hành thị trường điện) thành đơn vị hạch toán độc lâp thuộc EVN./.