Cần khẳng định lại, kể từ “cú sốc Covid 19”, thói quen tiêu dùng trong nước và toàn cầu thay đổi mạnh mẽ - cách thức mua sắm trực tuyến-thương mại điện tử (TMĐT) “lên ngôi”. Giao thương trực tuyến nội địa và xuất nhập khẩu online không còn là thế mạnh của các DN có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế-tài chính-công nghệ cao mà đã thay đổi, bất định. Các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, mọi cá nhân-tổ chức đều có cơ hội bình đẳng để lựa chọn và vươn tới thương mại toàn cầu.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng, 1 người nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk, bằng một cú nhấn chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở New York (Mỹ); hay 1 chị thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris (Pháp). TMĐT hiện thực hoá nền thương mại không biên giới trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian và xã hội. Các gia đình ở Việt Nam có thể mua táo ở trên cành ở 1 nhà vườn ở phương Tây và ngược lại, các gia đình ở phương Tây thậm chí có thể đặt mua hoa tươi còn đẫm sương trong vườn hoa của hộ kinh doanh nhỏ ở Đà Lạt.
“Sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đặt hàng người sản xuất dẫn dắt nền sản xuất, sẽ trở thành xu thế toàn cầu. Đã đến lúc cạnh trạnh toàn cầu vào đến cửa ngõ mỗi nhà. Khách hàng toàn cầu vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức của các DN”, ông Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của các cá nhân-DN Việt Nam, đặc biệt DNVVN khi tham gia mua-bán trực tuyến, mua-bán trực tuyến xuyên biên giới là nguồn nhân lực, ngoại ngữ cùng hiểu biết về các quy tắc trong lĩnh vực này. Đây cũng chính là nguyên nhân của những bất cập, tồn tại của ngành TMĐT suốt thời gian qua.
Trong đó, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng, Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định, yếu tố cản trở sự phát triển của thị trường TMĐT là sản phẩm của người mua nhận được không giống như mô tả trên website bán hàng. “Tốc độ tăng trưởng của TMĐT ngày càng cao, quản lý thị trường càng quan ngại về minh bạch sản phẩm, và vấn đề hàng giả hàng nhái. Quản lý thị trường rất sợ hình thức livestream, hiện nay vì thông qua kênh này, các đối tượng bán hàng giả rất nhiều”, ông Minh cho biết.
Chưa kể, thông tin từ đơn vị này cho thấy, không chỉ Facebook, TMĐT đang thông qua các kênh như Youtube, zalo, Tiktok… có lượng người bán hàng đông vô kể, còn lượng hàng và chất lượng hàng thực tế thì “không thể xác định”. Lợi ích vốn có của lĩnh vực này, gồm mua sắm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhiều sự lựa chọn… đã và đang bị lu mờ bởi những sai phạm, bất cập, tiêu cực. Đây mới chính là mối lo lớn nhất của cơ quan chức năng trong nỗ lực phát triển TMĐT ở Việt Nam.
Nhằm hạn chế những bất cập/thách thức, khai phá hết tiềm năng TMĐT, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển ngành TMĐT giai đoạn 2021-2025. Bản kế hoạch có mục tiêu tổng quát gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về khả năng mua-bán trực tuyến; xây dựng “thương trường ảo” lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững…
Cụ thể hơn, bản kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, đạt tổng doanh thu 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đạt 50% ... Đưa TMĐT Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai Đông Nam Á và là thị trường tiềm năng nhất khu vực vào năm 2025.
Nhiều chuyên gia kinh tế đồng thuận và khẳng định tính thiết thực của “kế hoạch” này, như quan điểm của ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam, trước đây do nhiều vấn đề nhận thức về kinh tế, Việt Nam vẫn chú trong đến sản xuất, công nghiệp và hạ tầng nhiều hơn. Nhưng xảy ra dịch Covid 19 cũng là một phép thử để toàn thế giới nhìn lại cấu trúc nền kinh tế của mình.
“Người ta đã phải ghi nhận TMĐT có khả năng ổn định rất cao trong khủng hoảng. TMĐT đang là giải pháp thì vẫn sẽ là giải pháp trong tương lai gần. Chọn TMĐT làm trọng tâm phát triển nền kinh tế là một lựa chọn đúng đắn”, ông Minh đưa ý kiến.
Để đạt được mục tiêu đề ra tại bản kế hoạch này, các chuyên gia cho rằng, cần sớm thống nhất quan điểm: TMĐT là lĩnh vực mới, tiềm năng, cần rộng đường phát triển; hay nhanh chóng siết chặt kiểm soát - hạn chế những bất cập, tiêu cực. Đây cũng chính là chủ đề nhiều cuộc tranh luận, hội thảo, hội nghị từ lớn đến bé, diễn ra suốt thời gian qua.
Chuỗi sự kiện góp ý xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 về TMĐT là ví dụ. Sau khi Chính phủ thông qua Nghị quyết 144 về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 với 4 chính sách lớn bao gồm: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ - chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Thứ ba là quản lý hoạt động mại điện tử trên mạng xã hội và thứ tư là quản lý hoạt động có yếu tố nước ngoài.
“Sau 7 năm thực hiện Nghị định, cùng với sự phát triển và lan tỏa của công nghệ số, TMĐT Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc với hơn 59,4 triệu người dùng Internet vượt mức trung bình thế giới; 44,8 triệu người từng tham gia mua bán trực tuyến. Tuy nhiên, với các hành vi vi phạm phổ biến, phức tạp nhưng chưa được điều chỉnh, đặt ra các yêu cầu mới, cần sửa đổi phù hợp nhất các nội dung về TMĐT, vì các nội dung sau đấy chính là những điều mỗi người phải đối mặt hàng ngày, sử dụng hàng ngày và góp phần hơn nữa trong hiệu quả hoạt động của TMĐT trong thời gian tới”, Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.
Cho rằng việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung, hướng đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực TMĐT, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hướng đến phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia là cần thiết, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam góp ý, ban soạn thảo với tinh thần hỗ trợ những mô hình kinh doanh mới, nhưng lại đang chỉ gắn với mạng xã hội trong khi tương lai sẽ còn có những mô hình mới.
“Nếu Dự thảo không dự tính trước, khả năng phải sửa trước 2025 là rất lớn. Sau đây nếu có những ứng dụng siêu app cần quản lý như thế nào? Sửa gì thì sửa thì nhưng phải thuận lợi thỏa đáng cho DN, vì xét cho đến cùng nếu không có những DN tiên phong, dám nghĩ, dám làm thì Việt Nam không có TMĐT như hôm nay”, ông Hưng đề cập.
Bà Vũ Tú, Đại diện Sàn Thương mại điện tử Lazada cũng khuyến nghị, cần cân bằng lợi ích với DN, nếu không sẽ kìm hãm sự phát triển của một trong những ngành tiềm năng nhất nền kinh tế số Việt Nam.
“Việc tạo ra công cụ cho cơ quan quản lý truy cập vào hệ thống, lấy thông tin người bán và giao dịch có lẽ là không cần thiết, bởi có thể trở thành rào cản khiến các nhà bán hàng ngần ngại khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Những nhà cung cấp dịch vụ phải có nghĩa vụ phải bảo mật thông tin khách hàng, chỉ nên cung cấp thông tin đó khi phát sinh sự vụ và cơ quan quản lý có yêu cầu”, bà Tú nêu trở ngại.
Rõ ràng, ngoài vấn đề “niềm tin của người tiêu dùng”, hệ thống thanh toán điện tử chưa thuận lợi; hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu; nhân lực hiểu rõ và tham gia vận hành hệ thống TMĐT còn thiếu; cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đồng bộ… thì ngành TMĐT đang rất cần một hệ thống pháp luật “soi chiếu” được tình hình thực tiễn, tiên liệu được khả năng phát triển. Do đó, rất cần có những văn bản hướng dẫn, thực thi cụ thể, thúc đẩy hoạt động TMĐT phát triển đúng tiềm năng, trước khi khẳng định được vị thế “tiên phong của nền kinh tế số”./.
Cùng loạt bài:
Thương mại điện tử năm 2020 tăng trưởng mạnh - Liệu có là xu hướng bền vững?