Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên, đang rộ lên việc thương lái thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu đang sống. Để tìm hiểu vụ việc, chúng tôi đến nhà ông Mai Xuân Dũng ở thôn 4, xã Ya Blăng, huyện Chư Sê (Gia Lai), một hộ đang tiến hành thu gom gốc và rễ cây hồ tiêu. Ông Dũng cho biết, đối tác yêu cầu chỉ mua gom gốc, rễ cây hồ tiêu còn sống. Từ cuối năm ngoái đến nay, ông đã thu gom được khoảng 2 tấn, với giá mua khoảng 40.000 đồng/kg. Bước đầu, ông Dũng đã bán được hơn 4 tạ, thu được 15 triệu đồng.

Dù thu được lợi song ông Dũng cũng có ý thức cảnh giác: “Nếu trường hợp thương lái đến tăng giá mua đột ngột thì mình phải suy nghĩ đây là mưu đồ phá hoại kinh tế của bà con. Gia đình tôi phải có trách nhiệm báo cho cơ quan pháp luật để có cách ngăn chặn”.

Ông Dũng khẳng định, mình chỉ là người thu gom, sau đó bán lại cho thương lái.

Thông qua ông Dũng, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Ngọc Thúy và Lê Thành Thiết cùng ở phường Tây Sơn, thành phố Playku, tỉnh Gia Lai – là những người trực tiếp giao dịch với thương lái nước ngoài. Hai ông cho biết, có quen biết với một thương lái nước ngoài tên là A Trung. Khoảng 2 năm trở lại đây, A Trung đã nhiều lần đặt vấn đề thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu. Tuy nhiên, phải là gốc và rễ cây hồ tiêu còn sống thì mới mua. Cả ông Thúy và Thiết đều thừa nhận không biết thương lái này thu mua gốc và rễ cây tiêu để làm gì nhưng thấy có lời nên hai ông đặt vấn đề thu gom. Trước mắt, huyện Chư Sê được chọn để thu gom, vì đây là trọng điểm cây tiêu của tỉnh và hai ông có nhiều mối quan hệ. Đáng nói là số người muốn bán gốc và rễ cây hồ tiêu đang ngày càng tăng.

“Tôi không biết họ mua làm gì nhưng tôi thấy có lời thì mua kiếm lời 10.000 đồng/kg. Tôi cũng không biết lỗi đó là như thế nào” –ông Thúy cho biết.

Các ông này cũng cho hay, do cây tiêu ở vùng này đã lâu năm, không đạt sản lượng nên người dân muốn bán để tranh thủ mùa khô cày xới, thuê máy móc, múc lên tận dụng lại.

Huyện Chư Sê đã có mấy chục năm phát triển cây hồ tiêu nhưng đây là lần đầu tiên diễn ra việc thu mua gốc, rễ của cây trồng giá trị cao này. Mục đích của việc thu mua chưa rõ ràng, gây nhiều nghi vấn nhưng vì bất cứ lý do gì, việc thu mua gốc, rễ cây sống chắc chắn sẽ khiến nhiều cây phải chết. Chính vì thế, chính quyền và ngành chức năng trong huyện đang hết sức đề phòng.

Ông Trương Thanh Hoài – quyền Chủ tịch UBND xã Ya Blăng cho biết: UBND xã đã chỉ đạo ngừng việc thu gom, mua bán gốc rễ cây hồ tiêu để đợi kết luận của ngành chức năng.

Xã cũng đã cử Hội nông dân, phụ nữ, thanh niên, mặt trận Tổ quốc tuyên truyền vận động, phân tích cho bà con thấy được cái lợi-hại của việc thu mua rễ tiêu./.