Trong những ngày qua, hàng trăm người dân các nơi đã đến đào bới và khai thác địa long (giun biển) ở vùng biển Thừa Thiên - Huế để bán cho thương lái đi Trung Quốc. Cho dù không ai biết được Trung Quốc mua loại này làm gì.
Hơn 11h trưa ngày 26/6 trên bờ biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, chúng tôi bắt gặp một nhóm người dùng những chiếc xuổng nhỏ đầu nhọn, liên tục đào sâu xuống cát để tìm giun biển.
Sau khi khai thác cạn kiệt giun biển ở các vùng biển các huyện Phú Lộc, Phú Vang, nhóm người này tiếp tục di chuyển đến vùng biển Quảng Công để khai thác suốt hơn 3 tháng nay.
Nguyễn Ngọc Hơn- một người chuyên đi khai thác giun biển đến từ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết: Muốn khai thác giun biển đạt số lượng nhiều, phải đợi chờ lúc nào thủy triều hạ mới có thể đánh bắt được. Bình quân mỗi ngày khai thác 5-7kg, với giá thu mua tại chỗ 50.000 đồng/kg địa long tươi.
Ông Nguyễn Đính, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, tình trạng người dân các vùng khác đổ về địa phương để tìm bắt giun biển diễn ra trong thời gian nửa tháng nay, làm bà con nuôi trồng thủy sản cao triều ở đây rất lo lắng. Xã đã cho người xuống kiểm tra, trước mắt đã làm thủ tục tạm trú cho những người này để quản lý trên địa bàn. Về lâu dài, việc khai thác ồ ạt con giun biển ở các bãi bồi vùng ven phá, ven biển chắc chắn có ảnh hưởng đến 130 ha vùng nuôi trồng thủy sản của xã làm ảnh hưởng đến độ ẩm trong đất cũng như cạn kiệt nguồn tài nguyên của địa phương.
Sở dĩ người ta ồ ạt khai thác địa long là do loài này được xem như một loại "thần dược” bổ dưỡng gấp 3 lần so với sữa Ensure. Họ đào bắt bán cho thương lái thu mua đưa sang Trung Quốc. Nhưng khi được hỏi Trung Quốc mua giun biển để làm gì? bà Trần Thị Lệ một tư thương nói rằng: "Tui gom mặt hàng này ra Lạng Sơn khi nào đầy xe tải, nhập qua Trung Quốc. Không biết giun biển này có ích lợi chi nhưng được thương lái Trung Quốc mua rất nhiều. Nhiều lúc lượng hàng kham hiếm họ hối thúc chúng tôi làm gấp, số lượng thế nào, giá cả thế nào họ đều chấp nhận cả”.
Còn anh Lương Văn Cảnh (35 tuổi, quê ở Bình Định) cho biết: "Trên những bãi bồi này, chỉ cần thấy những lỗ nho nhỏ trên mặt cát thì người săn dùng cái thuổng chắn xuống để đào hố bắt địa sâm... Bình quân mỗi ngày, anh em tui đào được 1,5 đến 2 tạ địa sâm tươi. Cứ 15kg địa sâm tươi chế biến thành 1kg địa sâm khô”.
Tương tự, nhiều người khai thác giun biển cho biết, ngoài giun biển phơi khô kết hợp với các loại thuốc Bắc để làm thuốc cường dương, tăng cường sinh lực cho đàn ông, thì địa sâm tươi còn được sử dụng để chế biến thành các món ăn đặc sản. Vì thế mà giun biển có giá trị kinh tế rất cao và luôn được các thương lái thu mua tại chỗ. Sau một ngày săn lùng địa sâm trên các bãi bồi, những người khai thác giun biển tươi sẽ bán ngay tại chỗ cho người thu gom.
Nhưng, nói như ông Đào Vinh Sáu (Bình Định), thị trường trong nước không hút hàng giun biển nên phần lớn giun biển tươi và khô đều được cánh thương lái thu mua rồi bán lại cho các đầu nậu Trung Quốc để họ đưa về nước tiêu thụ. "Buôn bán kiếm lời chút đỉnh chứ tui cũng không biết bên ấy họ dùng giun biển để làm gì nữa”, ông Sáu nói.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên- Huế, Quảng Điền là vùng phân bố khá lớn loài giun biển. Việc khai thác giun biển ồ ạt, số lượng lớn và tự phát như thế sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước cũng như đa dạng sinh học. Sau khi khai thác xong để lại lỗ, hang nhiều trên bờ bãi về lâu dài sẽ gây xáo trộn, ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng vùng sinh thái bên cạnh, chủ yếu là các vùng nuôi trồng thủy sản. Đó là chưa nói đến có thể gây xung đột vì lợi ích kinh tế của người dân địa phương với người vùng khác đến khai thác. Tuy nhiên, giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này thì chưa thấy./.