Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đang nhận được sự đồng tình và kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp. Theo đó, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% hiện hành có thể sẽ giảm xuống còn 23% từ năm 2014. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức thuế suất cần được xem xét, nghiên cứu để giảm hơn nữa, mới có tác động thực sự đối với doanh nghiệp.
Theo bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), việc giảm thuế suất doanh nghiệp từ 25% xuống 23% sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp tích cực sản xuất, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nếu thuế suất vẫn ở mức cao sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình đóng thuế, gây thất thu cho Nhà nước. Còn với những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì lại bị giảm sức cạnh tranh.
Bà Đặng Phương Dung cũng cho rằng, việc giảm thuế suất doanh nghiệp tại thời điểm này là rất sáng suốt, có tác động lớn tới doanh nghiệp dệt may, một ngành có đặc thù có nhiều lao động là nữ giới.
“Doanh nghiệp dệt may có đặc thù là những doanh nghiệp sử dụng rất nhiều lao động, đời sống của người lao động rất khó khăn với thu nhập của họ hạn chế. Một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp có điều kiện phát triển hơn, có điều kiện tăng thu nhập cho người lao động, thì nên chăng cho giảm mức thuế thu nhập xuống và các doanh nghiệp cam kết phần được giảm đó sẽ sẵn sàng tăng thêm thu nhập cho người lao động...” - bà Đặng Phương Dung nói.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác lại cho rằng, việc giảm 2% thuế suất chưa thực sự tác động đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Theo tính toán của bà Nguyễn Thị Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư quốc tế Tâm An (có trụ sở tại Hà Nội) với 1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nếu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% thì phải đóng thuế 250 triệu đồng, còn với mức 23% thì phải đóng 230 triệu đồng. Như vậy, mức chênh lệch chưa lớn lắm.
Do vậy, theo bà Loan, mức thuế suất giảm từ 25% xuống còn 20% sẽ phù hợp hơn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ tận dụng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp để tái đầu tư sản xuất, hạn chế tình trạng kinh doanh bất hợp pháp.
“Mức thuế suất nên giảm từ 25% xuống 20% chứ không như hiện nay lãi suất quá cao 25%, nhiều doanh nghiệp phải giảm doanh thu tăng chi phí và lách luật để làm sao đóng thuế ít nhất. Tôi cũng mong muốn rằng trong giai đoạn thực hiện từ 2014 đến 2020 mức thuế suất là 20% là phù hợp, sau 2020 thì phải có những nguồn thu khác ngoài thuế để làm sao mức thuế suất sẽ trở về mức 15% đến dưới 20% như các nước trong khu vực” - bà Nguyễn Thị Loan kiến nghị.
Theo thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai, dựa trên tính toán tác động giảm thu ngân sách, Chính phủ đề xuất thuế suất mức thuế phổ thông là 23%. Riêng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ sử dụng dưới 200 lao động và doanh thu không quá 20 tỉ đồng/năm được áp dụng thuế suất 20% trong 2 năm, bởi số doanh nghiệp này chiếm tới 87% tổng số doanh nghiệp và là đối tượng dễ tổn thương trước biến động kinh tế.
Thực tế, thời gian gần đây, các nước có xu thế giảm dần mức thuế suất phổ thông để tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Ví dụ, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Trung Quốc áp mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%; Thái Lan là 15%, trong khi mức thuế suất phổ thông là 23%... Tại Việt Nam, thời gian qua, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng chung ở mức 25%.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nên thực hiện ngay mức thuế suất 20% và không phân biệt loại hình doanh nghiệp từ năm 2014. Nếu giảm nguồn thu quá lớn thì cần đưa ra lộ trình cụ thể.
“Cần tạo lộ trình hợp lý với doanh nghiệp. Quan điểm là tăng thu từ phát triển sản xuất chứ không phải tăng thu từ việc tăng về mặt thuế suất. Nếu đưa được ngay thuế suất về 20% thì thuận lợi nhất, cùng một mặt bằng thôi, sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn với các khu vực và điều kiện thu hút đầu tư sẽ lớn. Nên thực hiện ngay năm 2014 để đẩy sản xuất đi lên. Nếu trường hợp cộng cả khoản thuế khác mà thất thu quá lớn thì chỉ rõ lộ trình 2016 đều đưa xuống 20% và tất cả địa bàn được miễn giảm theo tỷ lệ tương ứng, như vậy doanh nghiệp xây dựng được phương án cho phù hợp” - ông Phùng Quốc Hiển cho hay..
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới. Hầu hết doanh nghiệp đều kỳ vọng mức thuế sẽ được giảm về mức hợp lý hơn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới./.