Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong danh mục biểu thuế hiện hành, tổng cộng có 19 dòng thuế của xe tải thường, trong đó có 16 dòng thuế có mức thuế nhập khẩu thấp hơn cam kết WTO.
Do đó, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế của các dòng thuế này. Cụ thể xe tải dưới 5 tấn tăng thuế nhập khẩu từ 68% lên 70%, bằng mức cam kết trần WTO. Lý do là chủng loại như xe tải nhỏ thuộc diện quy hoạch ưu tiên phát triển. Ngoài ra, dòng xe tải có tải trọng từ 5-10 tấn có mức thuế tăng mạnh, dự kiến tăng từ 50% lên 70%, bằng mức trần cam kết WTO.
Dòng xe tải từ 10-20 tấn dự kiến sẽ tăng mạnh thuế nhập khẩu. Hiện dòng xe này có thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành là 30%, cam kết WTO là 70% nên Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế suất MFN của dòng xe này lên kịch trần cam kết WTO, tức tăng thêm 40% so với thuế suất đang áp dụng.
Bộ Tài chính dự kiến tăng thêm 40% thuế nhập khẩu dòng xe tải từ 10-20 tấn từ Trung Quốc. (Ảnh: Internet) |
Đối với dòng xe tải có tải trọng trên 45 tấn, hiện thuế suất MFN là 0%, cam kết WTO là 25%. Tuy nhiên, dòng xe tải trên 45 tấn là tư liệu sản xuất và thuộc chủng loại trong nước không có sản xuất, lắp ráp. Vì vậy Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất của những dòng thuế này là 0%.
Ngoài các dòng xe tải thường, nhiều dòng xe tải tự đổ cũng có thể phải chịu mức thuế nhập khẩu tăng khá mạnh với mức thuế tăng thêm 30% so với mức thuế hiện tại, trừ các dòng xe tải tự đổ trên 45 tấn chạy trên quốc lộ trong nước chưa sản xuất được.
Đối với những dòng xe chuyên dùng như xe đông lạnh, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe bồn chở xi măng… Bộ Tài chính cho rằng có thể xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với các chủng loại xe chuyên dùng phù hợp với năng lực sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, láp ráp xe chuyên dùng.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất các chủng loại xe này lên đồng mức 20% (tăng thêm 5%) vì theo biểu thuế hiện hành, một số chủng loại xe chuyên dùng đã có mức thuế suất 20% (trừ các dòng xe chuyên dùng trên 45 tấn).
Trước đó, theo kiến nghị của Công ty ô tô TMT, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, chi phí để sản xuất, lắp ráp trong nước lớn hơn rất nhiều so với việc nhập khẩu nguyên chiếc xe tải từ Trung Quốc. Bởi theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, nhiều loại ô tô tải từ Trung Quốc có mức thuế nhập khẩu rất thấp.
Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước “ồ ạt” nhập khẩu ô tô tải Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2015. Do đó, các đơn vị này kiến nghị tăng thuế nhập khẩu đối với dòng xe tải từ 20-45 tấn./.