Vụ Thị trường trong nước dự báo: trong tháng 2/2013 là thời gian cao điểm cho các hoạt động mua sắm, tiêu dùng Tết. Theo quy luật, nhu cầu tiêu thụ đối với nhiều nhóm hàng, nhất là hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao trong những ngày cận Tết, ngoài ra thời gian nghỉ Tết kéo dài nên nhu cầu vui chơi giải trí trong dịp này sẽ tác động tới giá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ trong cơ cấu tính CPI.

Tuy nhiên, với sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị Tết, các chương trình bình ổn thị trường được tích cực triển khai tại nhiều địa phương, cùng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra trên cả nước, với sức mua dự kiến tăng không quá cao, Vụ Thị trường trong nước tin rằng, sẽ không có hiện tượng sốt giá do thiếu hàng, giá hàng hóa trong nước sẽ tăng theo quy luật thông thường.

Nhìn lại thị trường tháng 1/2013, Vụ Thị trường trong nước đánh giá tuy đã nhộn nhịp hơn nhưng sức mua vẫn chưa cao, dự kiến sẽ tăng trong tuần đầu tháng tới. Giá các mặt hàng tiêu dùng không có nhiều biến động, ngoại trừ một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm… bắt đầu tăng giá.

Nguyên nhân tăng giá một số mặt hàng này do ảnh hưởng của thời tiết và các đơn vị cung ứng đang tập trung để đưa ra vào dịp Tết Nguyên đán nên nguồn cung trong giai đoạn này có phần bị thu hẹp. Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến phục vụ Tết bắt đầu nhích lên. Đa phần các mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, LPG, phân bón, thép xây dựng, xi măng giá tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ.

Công tác chuẩn bị Tết đang được các địa phương, các doanh nghiệp tích cực triển khai trên cả nước với nhiều hoạt động khuyến mại, giảm giá, chuẩn bị hội chợ xuân, đưa hàng về nông thôn...  Nguồn cung hàng hóa đa dạng, dồi dào, hàng Việt Nam với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 1 tăng 2,15% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thương nghiệp và khách sạn nhà hàng do nhu cầu hàng Tết, liên hoan cuối năm bắt đầu tăng. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ tháng 1/2013 chỉ tăng 8,11% (đây là mức tăng khá thấp) do dịp tiêu dùng cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nằm hoàn toàn trong tháng 1, trong khi dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Tỵ sẽ tập trung vào đầu tháng 2/2013, giá cả hàng hóa tiêu dùng nói chung không có sự chênh lệch lớn so với cùng kỳ năm trước.

Cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2013 tăng 1,25% so với tháng 12/2012, theo  Vụ Thị trường trong nước, mức này không quá cao so với các năm gần đây (so với tháng liền trước CPI tháng 1/2012 tăng 1%; năm 2011 tăng 1,74%; năm 2010 tăng 1,36%) tuy nhiên trong bối cảnh cầu yếu, sức mua trên thị trường chưa tăng cao, cũng là dấu hiệu cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay là rất khó khăn./.