Cụ thể, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.

Với thực trạng này, những tháng cuối năm, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020.

Trước đó, báo cáo kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, năm 2014 VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua.

Cụ thể, tổng nợ xấu toàn hệ thống tại 31/12/2014 (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) là 145,2 nghìn tỷ đồng (tăng 28,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ (giảm 0,36% so với năm 2013), theo đánh giá của NHNN là 4,83%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của VDB cao và tăng nhanh (tỷ lệ nợ xấu tại 31/12/2014 là 11,05%, tăng 68% so với năm 2013).

Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC, với 79,61 nghìn tỷ đồng trong tổng số 143,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả, vì năm 2014 VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua./.