Bạc Liêu cần tập trung rà soát quy hoạch, đầu tư nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tính toán thị trường tiêu thụ. Đây là một trong những định hướng phát triển cụ thể mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý tỉnh Bạc Liêu trong buổi làm việc sáng 26/4 tại thành phố Bạc Liêu với lãnh đạo chủ chốt tỉnh này về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

thu-tuong-2.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng khẳng định, tổng sản phẩm của Bạc Liêu trong Quý I năm nay đạt 2.455 tỷ đồng, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2013. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm trên 50% tỷ trọng. Các ngành, lĩnh vực văn hóa và kinh tế động lực như: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, nhất là tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ hàng tiêu dùng của Bạc Liêu tăng tới gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh cũng đang triển khai một số dự án trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển như Dự án điện gió cũng như xây dựng mô hình nuôi tôm xuyên thâm canh và cánh đồng mẫu lớn gắn với thu mua và xuất khẩu gạo...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua đã nỗ lực rất lớn và đạt được kết quả kinh tế-xã hội khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm qua khá cao và liên tục, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh…

Thủ tướng lưu ý Bạc Liêu không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được và cần thấy rõ những khó khăn, thách thức để tiếp nỗ lực vươn lên, nhất là quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn lớn, thu nhập đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao gần 10%, hạ tầng giao thông, nhất là hiện còn khoảng 30% số xã vẫn chưa có đường ô tô đến trung tâm…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác kiểm tra tiến độ triển khai và vận hành dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu

Trên tinh thần Trung ương chia sẻ và có trách nhiệm hỗ trợ Bạc Liêu phát triển nhanh, toàn diện và hiệu quả trên các lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu rà soát tiềm năng, lợi thế về đất đai và con người để khai thác và phát huy tốt nhất, phù hợp nhất trong tiến trình phát triển.

Trước hết về đất đai thì lợi thế lớn nhất là nông nghiệp, trong nông nghiệp thì thế mạnh nổi trội của Bạc Liêu là phát triển nuôi trồng thủy sản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Trước hết, đất đai Bạc Liêu chủ yếu là nông nghiệp và chủ yếu là thủy sản, làm sao phát triển tốt nhất, hiệu quả nhất thủy sản. Trong đó hiệu quả nhất là nuôi trồng thủy sản sẽ có chất lượng cao hơn để xuất khẩu so với đánh bắt. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghiên cứu rà soát từ quy hoạch, hạ tầng, hỗ trợ vốn, giống, chế biến, xuất khẩu, tính toán thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cao của sản phẩm nông nghiệp, nhất là thủy sản, trong đó phát huy và nhân rộng mô hình hiệu quả như nuôi tôm siêu canh 1ha sản lượng có thể lên tới 200 tấn/năm…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trong phát triển công nghiệp cần tập trung mạnh phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, nông sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động giản đơn ngay tại địa phương để giải quyết việc làm và giảm bớt lao động trong nông nghiệp. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ ủng hộ Bạc Liêu tập trung phát triển mạnh điện gió, vì đây là xu thế chung của thế giới, vừa cung cấp điện năng, đóng góp cho GDP, vừa thân thiện với môi trường.

Thủ tướng và đoàn công tác đến thăm Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Thủ tướng cũng lưu ý Bạc Liêu cố gắng khai thác và phát triển du lịch; huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là đường giao thông đến xã, bệnh viện, trạm y tế; tiếp tục chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt quan tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực từ mầm non đến cao đẳng và đại học, đây là nền tẳng quyết định trong công tác xóa đỏi giảm nghèo và đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thủ tướng cũng lưu ý trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thì ưu tiên trước hết là tập trung phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của người dân…

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã nêu ý kiến định hướng giải quyết các kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu liên quan đến đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa giai đoạn 1 quy mô 500 giường; dự án nâng cấp trường Đại học Bạc Liêu và một số dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đê biển, điện, văn hóa, xây dựng nông thôn mới cấp bách và cấp thiết đối với tiến trình phát triển của địa phương.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến kiểm tra tiến độ triển khai và vận hành dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Đây là một trong những dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam khởi công giai đoạn 1 vào cuối năm 2010 và đến nay đã có 10 trụ và turbin gió được lắp đặt xong với công suất 1,6 MW/turbin. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác Chính phủ cũng đã tới thăm Nhà máy Bia Sài Gòn-Bạc Liêu và Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm này vừa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, là nơi tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác Chính phủ đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bạc Liêu./.