Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi 19 tỉnh phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ứng phó với dịch bệnh Covid-19, những mặt hàng như rau củ quả được lưu thông khá tốt thì mặt hàng tôm – ngành sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chung lại đang gặp nhiều khó khăn.
Do mỗi địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo tình hình thực tế của địa phương mình nên ngành thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng đang thiếu nhân lực thu hoạch, sản xuất; lưu thông vận chuyển gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc thực hiện “3 tại chỗ” của các cơ sở chế biến chưa được hướng dẫn kịp thời; việc tiêm phòng vaccine phòng chống Covid-19 vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh nuôi tôm lớn như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang cần có đội ngũ phản ứng nhanh đối với ngành sản xuất tôm, để cùng thống nhất các phương án vận chuyển giữa các xã, huyện và các tỉnh với nhau. Từ đó, giúp cho ngành tôm lưu thông tốt tại vùng nguyên liệu. Đồng thời vướng khâu nào giải quyết ngay chỗ đó để người sản xuất tôm an tâm xuống giống trong thời gian tới, tránh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu do tâm lý e ngại khó tiêu thụ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý, sản xuất và chế biến tôm là chuỗi gắn liền các đầu mối bao gồm: giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, cung ứng vật tư, thu hoạch và tiêu thụ. Thủy sản ở các tỉnh phía Nam khoảng 5 triệu tấn, phải thu hoạch nhanh và giải quyết được khó khăn ở khâu chế biến.
Đặc biệt, đối với các cảng cá cũng như một số cơ sở chế biến có trường hợp mắc Covid-19, cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm túc để sớm hoạt động trở lại, bởi các đơn vị này giữ vai trò trung gian trong kết nối vùng nguyên liệu với thị trường:
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, hiện Bộ đã có ý kiến đối với các cơ sở giết mổ, chế biến khi đã đủ điều kiện “3 tại chỗ” thì cho hoạt động bình thường. Cùng với đó, các đơn vị, các cơ sở, các doanh nghiệp có F0 thì sàng lọc và xử lý các điều kiện chống dịch và cho trở lại hoạt động sớm./.