Có chung cảm xúc như nhiều nhà vườn trồng cây sầu riêng, ông Đào Ngọc Thoại ở ấp 11, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, tết Canh Tý 2020 rất vui vì trúng mùa sầu riêng nghịch vụ. Ở thời điểm trước Tết, nhà vườn bán trái sầu riêng được từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Riêng ông Thoại, với diện tích 1 ha vườn cây đặc sản này đã thu lợi khoảng 1 tỷ đồng.

“Bây giờ bà con đã cải tạo cây tạp chuyển qua trồng cây sầu riêng giống mới như: Ri 6, Mỏn thon… nên đến giờ phút này cuộc sống người dân từng bước ổn định, kinh tế phát triển khá. Bình quân trong ấp, xã thu nhập trên 50 triệu đồng/ người/năm. Do làm ăn được nên bà con đón Tết rất phấn khởi”, ông Thoại nói.

Tiền Giang có khoảng 13.000 ha cây sầu riêng, trồng tập trung ở các huyện Cai Lậy, Thị Xã Cai Lậy và Cái Bè, cho sản lượng hơn 200.000 tấn/năm. Năm qua, đầu ra trái sầu riêng rất ổn định, nhất là xuất khẩu mạnh qua thị trường Trung Quốc nên nhà vườn thu lãi rất cao. Hiện nay, sầu riêng là loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế hàng đầu ở tỉnh Tiền Giang.

qua_11_vnec.jpg
Sầu riêng là loại trái cây đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao nhất tỉnh Tiền Giang.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Phương, nhà vườn xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè đang đón Tết cổ truyền rất thịnh soạn. Trong căn nhà ông mua sắm đủ đầy bánh mứt, thịt, cá để vui Xuân, đón Tết. Ông Phương bộc bạch: nhờ 5 công vườn cây mít mà cuộc sống gia đình trở nên khá giả. Chỉ tính trong năm qua, vườn mít đã cho thu lãi trên 300 triệu đồng nên rất phấn khởi vui xuân.

“Năm nay, người dân phát triển kinh tế rất cao về cây mít. Giá cả ổn định, nhà vườn khá nên đón cái Tết hết sức đầy đủ, sung túc. Gia đình tôi đã mua sắm đầy đủ, không thiếu gì. Tiền bạc dư dả”, ông Phương chia sẻ.

Nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang thì ví von, cây mít là loại cây “trồng chơi ăn thật”. Bởi đây là loại cây ăn quả rất dễ trồng, thích nghi với nhiều loại thổ nhưỡng. Sau 2 năm trồng, cây mít sẽ cho trái và mỗi trái có trọng lượng từ 5-10 kg. Năm ngoái, tùy theo thời điểm, giá mít có giá từ 30.000 - 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng cây mít lãi to, từ 700 - 800 triệu đồng/ha. Do hiệu quả cao, nên nhà vườn tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng vườn cây mít trên 6.000 ha, đứng đầu vùng ĐBSCL.

Người dân phát triển kinh tế cao về cây mít.

Vú sữa Lò rèn là loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, trồng tập trung ở các xã ven sông Tiền của huyện Châu Thành, thị xã Cai Lậy. Năm nay, nhiều vườn cây vú sữa cho thu hoạch đúng dịp Tết cổ truyền, sớm hơn các năm khoảng 1 tháng nên giá khá cao. Cận Tết, trái vú sữa lò rèn có giá trên 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn có lãi khá.

Ông Huỳnh Văn Thọ, ở ấp Nam, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước Tết, 4 công vườn vú sữa Lò rèn của gia đình thu hoạch hơn 4 tấn trái, cho lãi gần 100 triệu đồng. Ngoài thu nhập vườn cây, là thương binh 2/4  ông còn được tặng quà Tết nên rất vui để đón Xuân.

“Trái vú sữa năm nay so với các năm trước có thuận lợi hơn, giá cả tốt hơn nữa, thời tiết cũng rất thuận. Vú sữa của tôi năm nay chín trước Tết 1 tháng. Năm nay, gia đình đón Tết rất phấn khởi nhờ trái vú sữa. Mấy đứa con đi làm công ty lương bổng ổn định. Đồ đạc đón Tết có sẵn, nhà có nuôi gà, vịt. Nói chung những người trồng cây vú sữa, gia đình ai cũng vậy, thấy  cũng phấn khởi, có dư”, ông Huỳnh Văn Thọ cho hay.

Tiền Giang hiện có hơn 80.000 ha vườn cây ăn quả, cho sản lượng 1,5 triệu tấn, trong đó có 11 loại trái cây chủ lực có giá trị xuất khẩu cao. Ngoài sầu riêng, vú sữa, mít còn có xoài cát Hòa Lộc- Cái Bè, dứa- Tân Phước, Thanh long - Chợ Gạo, mãng cầu Xiêm- Tân Phú Đông, sơ ri Gò Công… có giá trị xuất khẩu rất cao.

Được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, ngành chuyên môn, nhiều mô hình trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap theo chuỗi giá trị đã góp phần nâng cao chất lượng trái cây thương phẩm, xâm nhập được các thị trường khó tính. Năm qua, hầu hết các loại trái cây ở tỉnh Tiền Giang đều được mùa, trúng giá. Với mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm đối với nhà vườn tỉnh Tiền Giang không phải là ít, nên Tết này bà con rất hân hoan, phấn khởi. 

Về kinh tế vườn, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: “Ngành nông nghiệp đã cùng với các địa phương giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Trong các năm qua, diện tích cây trồng kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái thêm gần 6.000 ha. Đến nay, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, trong đó có những cây trồng chủ lực đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân như: sầu riêng, thanh long . Ngoài ra còn có một số cây trồng chủ lực khác như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh”, ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết./.