Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam là 21,628 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đóng góp vào con số này, phần lớn số vốn mới cấp phép tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghệ cao (chiếm gần 77% tổng vốn).

Từ “được mùa” vốn FDI...

So với mục tiêu đặt ra (13-14 tỷ USD), con số 21,628 tỷ vốn FDI thu hút được cả năm 2013 thực sự là một điểm sáng nổi bật. Bởi vì, số vốn này các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Dẫn đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tiếp đến là sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa; kinh doanh bất động sản.

fdivn.jpg
Vốn FDI góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Thanhnien)

Điểm đáng mừng là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực dẫn đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,636 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này chứng tỏ môi trường đầu tư vẫn hấp dẫn. Trong tương lai, từ dòng vốn này, có sự tăng cường công tác quản lý, sẽ góp phần quan trọng tác động lan tỏa trong nền kinh tế - xã hội nước ta, nhất là chuyển giao công nghệ, trước hết là trong công nghiệp chế biến, chế tạo.

Kèm với đó, các doanh nghiệp FDI sẽ tham gia giải quyết nhiều việc làm tại nhiều địa phương. Vì bài toán về cải thiện chất lượng nguồn nhân lực không thể được giải quyết trong một hai năm, mà cần một lộ trình trong trung và dài hạn. Trong khi đất nước có 90 triệu dân, vẫn đang được coi là thời cơ vàng về lao động, nhưng nếu không giải quyết kịp thời về việc làm, giá trị “vàng” sẽ giảm sút, lãng phí.

Hơn nữa, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, song song cần nhiều lao động, đòi hỏi chất lượng lao động, kỷ luật lao động ngày càng tăng. Đây sẽ là một cơ hội để việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển dần từ bị thúc ép sang tự giác đáp ứng nhu cầu để thích nghi.

Đứng thứ hai trong thu hút FDI năm qua là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sự gia tăng dòng vốn FDI vào lĩnh vực này, vừa có lợi trong việc đa dạng hóa đích đến của dòng vốn FDI cho nền kinh tế, vừa ngày càng góp phần quan trọng vào thúc đẩy thị trường cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng.

Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 951 triệu USD. Mặc dù thị trường bất động sản còn rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều dự báo cho rằng chưa dễ “ấm lại” trong năm 2014. Tuy nhiên, với vị trí thu hút đầu tư này, chứng tỏ thị trường này vẫn có nhiều tiềm năng đáng kỳ vọng. Dòng vốn FDI đầu tư vào sẽ là một động lực quan trọng để hâm nóng thị trường....

Một trong những tia sáng quan trọng nữa của dòng vốn FDI là sự xuất hiện trở lại của một số dự án quy mô lớn, vốn thiếu vắng trong mấy năm trước. Tiêu biểu như dự án Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên của Singapore, đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử…; LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng, đầu tư 1,5 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; Bus Industrial Center của Liên bang Nga đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định....

Cần lan tỏa hiệu quả thiết thực

Kết quả thu hút FDI năm 2013 là một bước kế tiếp và minh chứng quan trọng cho sức hút của môi trường đầu tư. Và hơn thế, từ sự gia tăng lượng vốn, mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI... sẽ thúc đẩy cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong nước phải tự làm mới mình trong cuộc đua thu hút và gia tăng huy hiệu quả vốn đầu tư.

Vì nói như Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, “không nên phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Cần điều chỉnh doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam để vươn lên, không kém doanh nghiệp FDI. Vì các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là tuân thủ luật pháp Việt Nam. Họ hoạt động và tạo sản phẩm phục vụ cho đất nước Việt Nam và xuất khẩu đi nước ngoài. Họ đóng góp  thuế, tạo công ăn việc làm, mang đến khoa học công nghệ...”.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, “năm 2014 và 2015, nước ta vẫn cần dựa vào tài nguyên và vốn để tăng trưởng kinh tế. Vì trong những năm qua những nhân tố tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, lao động chiếm 25,5%, vốn chiếm tới 57,54% và chỉ tiêu về chất lượng là năng suất tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 16,25%”.

Rõ ràng, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn. Trong điều kiện vốn nội lực còn khó khăn, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Và, thành quả thu hút FDI của năm 2013 là một cơ sở quan trọng, rất đáng trân trọng.

Việc cần làm cho năm 2014 và các năm tiếp theo, chắc chắn phải là thực chất hóa hiệu quả vốn FDI. Đó là tìm cách thực chất hóa sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI có công nghệ hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng cao. Đồng thời, tạo mối liên kết thực chất giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm sản xuất trong nước; lấy DN FDI làm cầu nối cho doanh nghiệp nội địa mở ra nhiều mối quan hệ bạn hàng, đối tác...

Trong bối cảnh dòng vốn quốc tế suy giảm trên diện rộng và có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia trong thu hút vốn FDI, tín hiệu tốt từ năm 2013 mới chỉ là một tia sáng hứa hẹn cho các năm tiếp theo. Hành động thiết thực mới mang lại hiệu quả thực./.