Dự án Bất động sản - Bến du thuyền và Dự án Olalani nằm ở bờ Đông sông Hàn thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt vào năm 2008. Dự án Bất động sản - bến du thuyền diện tích hơn 107.000 m2 được UBND thành phố phê duyệt chi tiết lần đầu vào năm 2011 và đến nay qua 4 lần điều chỉnh. Dự án Olalani diện tích mặt nước thuê 10.000m2, được phê duyệt quy hoạch chi tiết lần đầu vào năm 2008, đến nay cũng qua 4 lần điều chỉnh.
Tại hội nghị phản biện, đa số các ý kiến thống nhất với chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch dự án Bất động sản - Bến du thuyền và Dự án Olalani cần được xem xét đồng bộ, hài hòa cảnh quan tổng thể. Đặc biệt, thành phố tiếp tục khẳng định vẫn ưu tiên dành không gian xanh phía sông cho công viên và phục vụ công cộng; bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt, tuân thủ điều chỉnh quy hoạch chung được phê duyệt.
Ông Bùi Văn Tiếng cũng đồng tình với quan điểm của UBND thành phố Đà Nẵng về việc đề xuất cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch dự án Bất động sản - Bến du thuyền, dự án Olalani được phê duyệt trước đây là có thể xem xét nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng từ phía bờ Tây sông Hàn. Theo ông Bùi Văn Tiếng, UBND thành phố đã xác lập rất đúng 4 nguyên tắc để xử lý bài toán nan giải này. Đó là, ưu tiên dành không gian xanh phía sông để phục vụ cộng đồng; bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt; tuân thủ điều chỉnh quy hoạch chung; phát huy tầm nhìn thoáng rộng từ phía bờ Tây sông Hàn.
“Tôi thống nhất rất cao khi UBND thành phố cho rằng, cần nghiên cứu các giải pháp về quy hoạch để có thêm diện tích cho các không gian mở kết nối thông suốt từ đường Trần Hưng Đạo và đường Lê Văn Duyệt về phía sông. Thành phố dành không gian cho trục cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt phục vụ công cộng theo hướng không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn cho các nhà đầu tư trong khả năng ngân sách thành phố chưa thể phục hồi” - ông Bùi Văn Tiếng nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh các dự án lần này rất phù hợp với định hướng của Đồ án quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Phương án điều chỉnh quy hoạch đối với 2 dự án Bất động sản và Bến du thuyền, Dự án Olalani lần này có sự đồng bộ, cảnh quan kết nối hài hòa, xuyên suốt, diện tích không gian xanh phía sông có công viên phục vụ công cộng, bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối hình thành tuyến đường đi bộ được tăng lên đáng kể. Tầm nhìn cảnh quan thoáng rộng, công trình cao tầng với khoảng cách được điều chỉnh hài hòa với tổng quan kiến trúc đô thị.
Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn về nội dung công trình xây dựng lấn sông, lấp sông, nén dòng sông Hàn ở vị trí cuối sông, đầu sóng, biển dâng khi mưa, bão dễ xảy ra sạt lở. Các ý kiến mong muốn việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng cảnh quan kiến trúc của các dự án ven sông Hàn phải phù hợp với quy hoạch, cảnh quan thiên nhiên, tăng diện tích cây xanh, không gian công cộng và mỹ quan tăng thêm sự sinh động, lung linh cho sông Hàn.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, đây là 2 dự án trong quá trình triển khai có nhiều thăng trầm. Đáng mừng là đa số ý kiến thống nhất tiếp tục triển khai 2 dự án này trên cơ sở tiếp tục điều chỉnh. Theo ông Lê Quang Nam, nhà đầu tư cần tổ chức thi tuyển phương án thiết kế về nhà cao tầng, đảm bảo hài hòa về kiến trúc, đảm bảo công năng, phù hợp với cảnh quan khu vực.
“Đề nghị Sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Viện Qui hoạch và chủ đầu tư dự án cần xem xét điều chỉnh nghiêm túc phù hợp với qui hoạch. Sau khi điều chỉnh phù hợp với qui hoạch được phê duyệt rồi phải đảm bảo điều kiện sắp xếp lại công năng phù hợp với qui hoạch chung qui định về chiều cao, mật độ. Chúng ta phải lưu ý không gian công cộng, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận khu vực này” - ông Lê Quang Nam cho biết./.