Tại cuộc họp đánh giá hoạt động năm qua và triển khai nhiệm vụ năm nay của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, diễn ra sáng 18/1, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: "Tinh thần hành động của Chính phủ năm 2019 yêu cầu bứt phá thì cổ phần hoá, thoái vốn cũng phải vậy, do đó các Bộ, ngành địa phương phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tối đa hoá lợi ích nhà nước, quyết liệt, công khai, minh bạch trong thực hiện”.

Theo báo cáo năm 2018, cả nước có 32 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được phê duyệt phương án cổ phần hoá, Nhà nước sẽ còn giữ 58,44% tổng vốn điều lệ. Tính tới hết năm, các bộ, địa phương bán cổ phần lần đầu 30 doanh nghiệp, thu về hơn 24.250 tỷ đồng với nhiều doanh nghiệp (DN) quy mô lớn như Tập đoàn cao su, Lọc Hoá dầu Bình Sơn, Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí... Giá trị IPO và bán cho cổ đông chiến lược trong năm 2018 gấp 4,67 lần năm 2017 và gấp 1,4 lần năm 2016.

vov_pho_thu_tuong_vuong_dinh_hue_phat_bieu_tai_cuoc_hop_van_hieu_vov1_qbvv.jpg
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp

Cùng với cổ phần hoá, Nhà nước cũng thu về hơn 16.000 tỷ đồng tiền thoái vốn, cao hơn 2,58 lần giá trị sổ sách. Như vậy, tổng thu từ cổ phần hoá, thoái vốn trong năm 2018 đạt hơn 40.300 tỷ đồng. Luỹ kết 3 năm 2016- 2018, tổng số thu này đạt hơn 210.000 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần tổng thu của cả giai đoạn 2011- 2015.

Về việc bàn giao các DN có vốn nhà nước về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tới hết năm 2018 các bộ, địa phương đã bàn giao 30/62 DN với tổng vốn nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng. 32 DN chưa bàn giao có tổng vốn nhà nước là gần 7.000 tỷ đồng ở 11 Bộ, địa phương là: Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hoá Thể thao và Du lịch, các tỉnh thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh.

Hiện cả nước vẫn còn 595 DN cổ phần hoá nhưng chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, tiến độ cổ phần hóa vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra của năm 2018. Cụ thể, còn 53 DNNN chưa được cổ phần hoá, 118 DN chưa được thoái vốn. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có 50 DN chưa cổ phần hoá; các DN thuộc Bộ Quốc phòng cũng gặp vướng mắc khi liên quan tới quản lý đất đai.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới cổ phần hoá, thoái vốn, các Đề án cơ cấu lại DNNN và cơ cấu lại từng DN đã được xác định rõ ràng, đề nghị Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành và địa phương quán triệt và thực hiện. Trên tinh thần hành động của Chính phủ năm 2019 yêu cầu bứt phá thì lĩnh vực này cũng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tối đa hoá lợi ích nhà nước, quyết liệt, công khai, minh bạch trong thực hiện, không quá coi trọng số lượng. Đồng thời, xử lý trách nhiệm của cấp có thẩm quyền để chậm cổ phần hoá, thoái vốn.

Toàn cảnh cuộc họp

“Kế hoạch hoạt động của năm 2019, tôi đề nghị với khối lượng công việc dở dang của năm ngoái chuyển sang thì nhiệm vụ của năm nay sẽ rất nặng nề. Chính vì vậy, phải xem xét điều chỉnh phê duyệt cụ thể kế hoạch năm nay để đảm bảo tính khả thi, không đưa nhiều rồi không thực hiện. Vấn đề quan trọng là Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cũng yêu cầu việc cổ phần hóa, thoái vốn chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn không phải làm lấy được chạy theo tiến độ đơn thuần”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, Nghị quyết số 12 của Trung ương đề ra các nguyên tắc khi thoái vốn, trong đó có yêu cầu công khai, minh bạch, tối đa hoá giá trị vốn nhà nước theo thị trường, chứ không yêu cầu phải bảo toàn vốn nhà nước. Do vậy, có những trường hợp giá vốn theo thị trường dưới mệnh giá thì vẫn có thể thoái, càng giữ thì Nhà nước càng thiệt. Tránh trường hợp DN, dự án yếu kém có thể khắc phục để cổ phần hóa, thoái vốn được mà lại “bán non”, thiệt hại lợi ích của nhà nước./.