Với sự hỗ trợ của Chính phủ Cộng hòa Slovak và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, vừa khởi động dự án An toàn thực phẩm kéo dài 3 năm tại Việt Nam. Dự án hỗ trợ các công ty nông nghiệp cải thiện an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giữ chân những khách hàng quan trọng cũng như tiếp cận các thị trường xuất khẩu.

thit_ga_fcvz.jpg
Những lô thịt gà đầu tiên của Việt Nam được xuất đi sẽ là gà đã qua chế biến.

Ngay khi triển khai, Bel Gà là công ty đầu tiên tham gia. IFC cho biết sẽ giúp 54 nhà nuôi gà thuộc ba trang trại gia cầm độc lập trong chuỗi khách hàng của Bel Gà thực hiện chứng nhận GLOBALG.A.P. Việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế là bước chuẩn bị đầu tiên để đưa thịt gà Việt Nam xuất khẩu.

“Mục tiêu chiến lược của ngành chăn nuôi Việt Nam là phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng đến xuất khẩu với các sản phẩm chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giá thành cạnh tranh. Để đạt mục tiêu này, sản xuất chăn nuôi sẽ được tổ chức lại theo chuỗi liên kết, gắn kết các khâu giết mổ, chế biến với kết nối thị trường, trong đó áp dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến, an toàn như VietGAP, Global GAP… mang tính quyết định”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nhận định trong buổi triển khai dự án.

Theo IFC, tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP với tốc độ tăng trưởng gần 18% mỗi năm. Tuy nhiên, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thấp và chưa thích hợp đang cản trở tiềm năng phát triển của ngành.

Nhờ xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện đại, ước tính, tổng doanh số của các công ty tham gia vào dự án sẽ gia tăng khoảng 30 triệu USD. Đồng thời, tổng vốn đầu tư dài hạn các công ty này có thể thu hút sẽ tăng thêm 25 triệu đôla sau khi dự án kết thúc một năm.

Sự ra đời của dự án này chỉ là một phần bức tranh. Cuối tháng 6 vừa qua, Nhật Bản đã chính thức đồng ý nhập khẩu thịt gà của Việt Nam, với nhà xuất khẩu là Koyu & Unitek. Dự kiến, lô sản phẩm chế biến từ ức gà đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường này với số lượng 300 tấn vào tháng tới. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên thịt gà Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch.

Để có được kết quả này, tháng 3/2017, Koyu&Unitek đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thịt gà mới để chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong đó, công ty đã đầu tư 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc cho nhà máy với công suất chế biến 50.000 con một ngày. Hiện công ty đang chuẩn bị thủ tục mở thêm nhà máy, xúc tiến đưa gà sang EU và vài thị trường khác.

Cục Thú y cho biết, Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đăng ký và thực hiện việc xúc tiến xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, ngay sau doanh nghiệp này, cuối tháng 5 vừa qua, một "đại gia" khác là công ty Chăn Nuôi CP Việt Nam cũng đã đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật Bản.

Cũng theo cơ quan này, hiện người tiêu dùng các nước ưa chuộng thịt ức gà nên có giá rất cao. Trong khi đó, thịt đùi, cánh gà có giá rất rẻ. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam lại ưa chuộng thịt đùi và cánh gà. Do vậy, sản phẩm thịt đùi và cánh gà được nhập khẩu vào vào Việt Nam ngày càng tăng, khiến ngành chăn nuôi gà trong nước gặp nhiều khó khăn.

Do đó, kết hợp giữa thị hiếu của thị trường nội địa và quốc tế cùng với việc cải thiện an toàn thực phẩm được các chuyên gia đánh giá là lối ra cho ngành nuôi gà hiện tại.

“Xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện đại giúp doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Doanh nghiệp sẽ cải thiện hiệu quả và tiết giảm chi phí, nâng cao giá trị thương hiệu và chuẩn bị tốt hơn để có thể tiếp cận các thị trường mới và bền vững hơn” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào nhận xét./.