Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, Việt Nam nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD với giá trung bình mỗi kg chỉ vào khoảng 1,44 USD, tương đương gần 33.000 đồng. 

Trong đó, các loại thịt gà và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus với 1.540 tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD, tương đương 1 USD mỗi kg (khoảng 23.000 đồng). Tiếp theo là cánh gà thuộc loài Gallus domesticus với 770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD, tương đương 1,8 USD mỗi kg (hơn 41.000 đồng). 

hinh_2_3760_1490363070_mruf.jpg
Các loại thịt nhập khẩu về Việt Nam có xuất xứ từ Brazil trong năm 2015, 2016 và 3 tháng đầu năm. (Ảnh: Tổng cục Hải quan)
Các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 470 tấn, trị giá hơn 1 triệu USD, tương đương 2,13 USD mỗi kg (48.500 đồng). 

Theo khảo sát tại Hà Nội, TP HCM hiện chân và cánh gà từ Brazil được bán trên thị trường với giá khá rẻ, chỉ 50.000-80.000 đồng một kg. Sản phẩm đa phần bán cho bếp ăn công nghiệp và quán ăn. 

Trước đó, năm 2016 cả nước cũng nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21.000 tấn, trị giá gần 25 triệu USD, không nhiều biến động so với năm 2015. Như vậy, theo tính toán, trung bình mỗi kg thịt nhập từ Brazil khi cập cảng về Việt Nam chỉ vào khoảng 1,2 USD, tương đương 27.200 đồng. 

Sau thông tin nhiều công ty sản xuất thịt của Brazil (trong đó có 2 doanh nghiệp chiếm sản lượng lớn nhất là JBS và BRF) bị điều tra vì xuất khẩu thịt nhiễm bẩn, sử dụng hóa chất cấm thì cơ quan thú y của Việt Nam cũng vừa yêu cầu ngừng nhập khẩu sản phẩm từ 21 nhà máy bị điều tra.

Mới đây, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã xác nhận, qua kiểm tra tại các cửa khẩu, hiện không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam. Như vậy, hiện nguồn thịt trong các doanh nghiệp đang sử dụng được cho là an toàn.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường kiểm soát chặt các lô hàng thịt đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam. Các cơ quan thú y cửa khẩu đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu.

Nếu phát hiện sản phẩm thịt có nguồn gốc từ 21 nhà máy đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất không an toàn thì dừng ngay việc kiểm dịch, tiến hành niêm phong hàng và báo cáo về Cục Thú y để xử lý kịp thời.

Cũng theo Tổng cục Hải quan đến ngày 15/3 cả nước nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ trị giá 65 triệu USD. Trong đó, thị trường Brazil đứng thứ 4 với tỷ trọng 6,2%.

Mỹ là thị trường cung cấp thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ lớn nhất cho Việt Nam với hơn 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 32%. Đứng thứ 2 là thị trường Ấn Độ với 15 triệu USD, chiến hơn 23%, tiếp đến là Australia với hơn 8 triệu USD.../.