Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản. Những khoản nợ ngân hàng, lương công nhân… bủa vây doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp có những khoản nợ khó đòi, nếu đòi được sẽ có đủ khả năng chỉ trả nợ, đặc biệt là tiền lương và bảo hiểm cho người lao động. Cũng từ đây, các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam đang thiếu thị trường mua bán nợ cho doanh nghiệp phá sản.

nonan_dgko.jpg
Việt Nam đang thiếu thị trường mua bán nợ cho các doanh nghiệp phá sản.
Kể lại câu chuyện năm 2015, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH N.H, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hải sản tại tỉnh Kiên Giang, công bố phá sản. Trước đó, doanh nghiệp này từng làm ăn rầm rộ với những đợt hàng xuất khẩu qua nhiều nước. Nhưng những đơn hàng xuất đi, đối tác khất lần không thanh toán, hoặc chỉ thanh toán một phần, để lại những khoản nợ lớn cho doanh nghiệp này.

“Thị trường khó khăn, vốn bị ngâm khi đối tác không thanh toán hợp đồng, dù doanh nghiệp đối tác làm ăn tốt, buộc chúng tôi tuyên bố phá sản. Nợ ngân hàng, nợ lương công nhân, tiền BHXH,… bủa vây. Dù bán hết tài sản vẫn không đủ trả nợ, tìm  người mua để bán khoản nợ của đối tác với công ty thì đều nhận những cái lắc đầu từ chối”, ông Tuấn nói.Tương tự là trường hợp một công ty sản xuất nông sản tại Lâm Đồng, khi công ty này rơi vào tình trạng phá sản, khoản nợ mà đối tác với công ty còn hàng chục tỷ đồng, nhưng thuộc dạng khó đòi, công ty rao bán nợ hàng năm trời, nhưng vẫn không ai nhòm ngó.“Doanh nghiệp phá sản nhiều, nhưng thị trường mua bán nợ lại chưa có, khiến doanh nghiệp khó khăn, nếu bán được những khoản nợ này, doanh nghiệp có thể hồi phục và thanh toán nợ nần. Tuy nhiên, muốn bán thì chẳng biết bán cho ai”, ông Trần Hưng, giám đốc công ty nông sản tại Lâm Đồng nói.Theo luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư TP.HCM, Nghị định 69/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có hiệu lực ngay từ ngày ký. Văn bản này cho phép doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Mua nợ, bán nợ, môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ và dịch vụ sàn giao dịch nợ. Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Theo quy định, hoạt động mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần, hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ, cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ.Với sự ra đời của thị trường mua bán nợ, các doanh nghiệp kinh doanh mua bán nợ, thì thủ tục phá sản doanh nghiệp sẽ có phương thức để chấm dứt, điểm dừng thủ tục phá sản doanh nghiệp khi quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức bán hết các quyền đòi nợ để thu về khoản tiền và thực hiện việc phân chia tài sản theo quy định.Mặt khác, việc mua bán nợ được ghi nhận trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, sẽ giúp hoạt động mua bán nợ trở nên sôi động hơn. Trước đây, việc mua bán nợ, mua bán quyền đòi nợ, về nguyên tắc được thực hiện theo Bộ Luật Dân sự, nhưng chẳng ai dám mua vì quy định chung chung, khi thực hiện quyền đòi đối với con nợ không ai công nhận, thậm chí không thể khởi kiện ra Tòa.Dịch vụ mua bán nợ không phải là hoạt động kinh doanh, mà là hoạt động không liên tục, không nhằm mục đích sinh lợi của tổ chức, cá nhân, bao gồm hoạt động bán nợ đối với các khoản nợ của chính chủ nợ, không bao gồm các khoản nợ mà chủ nợ đã mua từ các chủ nợ khác.

Hoạt động mua nợ không nhằm mục đích bán lại cho tổ chức, cá nhân, bao gồm cả hoạt động mua nợ để chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần. Điều này cho thấy, việc mua nợ phải có lợi thì doanh nghiệp mới tham gia, do đó, các món nợ mà doanh nghiệp cần bán phải chứng minh được khả năng sinh lợi trong tương lai, nếu không sẽ không thể hấp dẫn bên mua.

Bên cạnh đó, việc mua bán nợ cũng khá phức tạp. Theo TS. Đỗ Doãn Hùng, giảng viên Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM, doanh nghiệp phá sản có thể do có “vấn đề”. Theo quy định, người có quyền nộp đơn là từ phía doanh nghiệp, tuy nhiên do doanh nghiệp được thành lập kê khai vốn nhiều nhưng chỉ là vốn ảo, doanh nghiệp góp đủ vốn điều lệ, nhưng quá trình hoạt động có nhiều giao dịch chuyển tài sản không rõ ràng. 

Nếu kiểm tra lại quá trình hoạt động của doanh nghiệp sẽ phát hiện ra nhiều sai phạm, người góp vốn hay người điều hành sẽ bị xử lý trước khi doanh nghiệp được phá sản. Hay nói cách khác, bản chất người chủ doanh nghiệp, tức người bán nợ cũng phải minh bạch thì mới thu hút được bên mua.

Cũng theo ông Hùng, tại Mỹ, thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp rất phát triển, vì vậy, doanh nghiệp nước này giảm bớt rủi ro và có thêm các cơ hội phát triển bền vững./.