Tình hình khô hạn kéo dài từ cuối năm 2012 đến nay đã khiến nhiều hồ thủy điện sát mực nước chết, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung điện trong mùa khô năm nay.

Ông Đoàn Văn Bình, Viện khoa học Năng lượng thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, nguồn thủy điện ở Việt Nam có tiềm năng khoảng 80 tỷ kWh/năm, trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng khoảng 10.000 MW năm 2015. Dự báo, nguồn điện năng thiếu hụt có thể lên tới trên 50 tỷ kWh vào năm 2030. 

Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt điện năng là nguồn năng lượng truyền thống  đang dần cạn kiệt. Nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch như than, dầu và khí thì có hạn. Theo tính toán, nhu cầu năng lượng sơ cấp đến năm 2030 tăng gấp 5 lần so với năm 2010. Với nhu cầu thực tế như vậy, dự kiến năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho sản xuất điện và phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới.

Theo ông Đoàn Văn Bình, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề quan trọng và cần thiết trong bối cảnh kinh tế hiện nay: “An ninh năng lượng có thể được thực hiện qua hai biện pháp: Đảm bảo các nguồn cung năng lượng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu hợp lý thông qua hệ thống sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, nhu cầu sử dụng, tiêu thụ năng lượng nói chung cũng rất cao. Tăng trưởng kinh tế gắn với nhu cầu năng lượng như vậy, thêm vào đó là nhu cầu sử dụng năng lượng hay hệ thống đàn hồi năng lượng của chúng ta đều rất cao so với bình quân của thế giới. Vì vậy sức ép phải gia tăng nguồn cung cấp này cũng càng cao”.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, ngành năng lượng Việt Nam đang thiếu một quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia. Các quy hoạch phân ngành điện, than, dầu khí, năng lượng mới và tái tạo được xây dựng độc lập, thiếu đồng bộ. Điều này dẫn đến các tư liệu, số liệu phục vụ việc Quy hoạch tổng thể thiếu thống nhất, thiếu tin cậy.  Hơn nữa, giá cả của các loại nhiên liệu, năng lượng là đầu vào đầu ra của nhau thiếu sự cân đối và tương quan hợp lý.

Ông Ngãi kiến nghị, Chính phủ cần ban hành Nghị định về cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng giá năng lượng tái tạo hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng.

Bởi vì, theo ông Ngãi, công nghệ của chúng ta hiện nay rất lạc hậu, thiết bị lạc hậu, do đó tiết kiệm điện rất kém. Bây giờ cần có một số chính sách, như nhập công nghệ mới về, nhập thiết bị tiết kiệm điện. Các doanh nghiệp tiết kiệm được điện nhiều, Chính phủ nên có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho họ. Nhà nước nên có một số cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mà họ tiết kiệm được điện lớn có lợi cho đất nước.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, cần phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước bằng cách xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất sinh hoạt. Đồng thời, tăng cường sử dụng các trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Khuyến khích, thúc đẩy các nhà sản xuất, nhập khẩu đưa ra thị trường các trang thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao./.