Ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung nông sản, thực phẩm quan trọng cho thị trường thế giới nói chung và thị trường châu Âu nói riêng.

Những năm vừa qua, thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người tiêu dùng châu Âu đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mật ong, ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Công ty ong Minh Tâm chia sẻ, sản phẩm của doanh nghiệp từ chỗ không có tên tuổi, nay doanh nghiệp đã nằm trong top các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào thị trường châu Âu.

vov_lam_yvis.jpg
Ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Công ty ong Minh Tâm chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang EU.

“Từ chỗ không biết đến xuất khẩu, sau khi đầu tư nguồn thông tin và làm thương hiệu theo sự hỗ trợ tiếp thị của Chương trình hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường châu Âu, đến nay sản phẩm của doanh nghiệp đã có chỗ đứng tại thị trường này với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng”, ông Tâm cho biết.

Đánh giá về Chương trình hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường châu Ầu cho các doanh nghiệp nông sản thực phẩm của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc, Trưởng phòng Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) cho biết, thông qua Chương trình, hàng năm Cục XTTM đều tổ chức các cuộc triển lãm Foodexpo là triển lãm lớn nhất của Việt Nam, không chỉ giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam mà còn tìm các tiếp cận các công ty xuất nhập khẩu lớn của thế giới.

Ngoài ra, hàng năm Cục XTTM cũng tổ chức các khóa đào tạo về thiết kế, nhãn hiệu, logo sản phẩm có sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà thiết kế nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tình chuyên nghiệp trong việc cải tiến chất lượng hàng hóa, thiết kế bao bì từ đó năng cao sức ảnh hưởng của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

“Hiện nay, thế giới chưa biết nhiều đến các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức quản lý cũng như tổ chức xúc tiến thương mại đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh để từ đó thế giới biết đến Việt Nam như một cường quốc xuất khẩu nông sản thực phẩm nổi tiếng của thế giới”, bà Ngọc chia sẻ.

Cũng theo bà Ngọc, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại để nỗ lực đưa hàng hóa thực phẩm và nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới của cơ quan chức năng, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn lúc nào hết cũng cần tạo ra được sự khác biệt của sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.

“Khi làm được điều này, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nói chung và nông sản, thực phảm nói riêng sẽ tạo ra được thương hiệu mà mỗi khi nhắc tới, người tiêu dùng sẽ nhớ ngay đến Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có nhiều hoạt động mang tính dài hơi, đó chính là hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để nâng cao sức mạnh, tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế khác”, bà Ngọc lưu ý.

Chăm chút thương hiệu sản phẩm

Mặc dù đã có được nhiều thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, song theo các chuyên gia, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU còn có nhiều thách thức cùng những rào cản vướng mắc về chính sách, những quy định khắt khe đối với hàng nhập khẩu nông sản của nhiều nước nói chung trong đó có Việt Nam.

Cho rằng, để sản phẩm hàng nông sản và thực phẩm thích nghi được với thị trường châu Âu, ông Reindert Dekker, chuyên gia tư vấn cao cấp của Tổ chức CBI Hà Lan khuyến cáo, các doanh nghiệp, ngành hàng cần biết được xu hướng thay đổi của thị trường cũng như nhu cầu của thị trường, nếu không làm được điều này sẽ rất khó thích nghi để đưa ra được sản phẩm mới và phân khúc thị trường mới.

Dẫn ví dụ đối với sản phẩm hạt dinh dưỡng của Việt Nam như lạc hay hạt điều, ông Reindert Dekker nhìn nhận, Việt Nam rất mạnh trong việc chế biến sản phẩm thô, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lúc nào cũng thường trực ý tưởng và thị trường mới để xuất khẩu rồi bỏ quên thị trường truyền thống.

“Trong khi tại một thị trường truyền thống, rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 - 40 triệu USD/năm riêng cho sản phẩm hạt lạc và hạt điều là câu chuyện không lạ. Làm sao để biến một sản phẩm bình thường trở thành sản phẩm có chất lượng cao? Vấn đề là làm thế nào để trình bày các sản phẩm này bằng uy tín chất lượng mẫu mã để nhắm vào thị hiếu người tiêu dùng”, ông Reindert Dekker nói rõ.

 Ông Reindert Dekker, chuyên gia tư vấn cao cấp của Tổ chức CBI Hà Lan chia sẻ xu hướng của thị trường EU. 

Bên cạnh đó theo ông Reindert Dekker, kiến thức của người tiêu dùng trên thế giới hiện nay cũng cao hơn rất nhiều nên đòi hỏi của họ cũng cao hơn. Trong đó, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm phải ngon mà còn tốt cho cơ thể và môi trường và không sử dụng nô lệ lao động… nói chung đó phải là một sản phẩm toàn diện.

Ông Reindert Dekker tái khẳng định, yêu cầu về kiểm soát tồn dư chất hóa học càng nghiêm ngặt hơn. Hầu hết người tiêu dùng hiện nay đều có yêu cầu phải biết sản phẩm có nguồn gốc, được sản xuất từ đâu, không giống trước đây khi nhiều nhà máy có sản phẩm lỗi thường tự đóng cửa và người tiêu dùng không hề biết sản phẩm họ đã từng sử dụng như thế nào.

Chính vì thế, để nâng cao năng lực xuất khẩu vào châu Âu, các doanh nghiệp cần đi theo một xu hướng mới. Xu hướng đó chính là tạo ra sản phẩm không chỉ theo cách làm việc chăm chỉ và sản phẩm tốt trong nhà máy, mà còn phải quan tâm đến thương hiệu, cách trình bày sản phẩm và phương pháp truyền thông.

“Sản phẩm xuất khẩu ngày nay không thể chỉ là sản phẩm thô mà phải là một sản phẩm toàn diện, minh bạch, có tính văn hóa, có trải nghiệm, có cảm xúc và có hình ảnh. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng thương hiệu và phải tự hào với chính sản phẩm của mình. Không nên bất mãn hoặc mất lòng tin đối với thương hiệu và sản phẩm của Việt Nam”, ông Reindert Dekker chỉ ra./.