Nối dài mạch tăng trưởng từ năm 2017, kim ngạch xuất - nhập khẩu quý I/2018 của Việt Nam đã đạt được những con số đầy ấn tượng. Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2018 ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu ước tính đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu giữ vững đà khởi sắc
Cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý I/2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD, đã góp phần làm tăng 1,19 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đánh giá về tăng trưởng xuất nhập khẩu quý I/2008, PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, quý I/2018 tình hình xuất khẩu vẫn giữ được đà khởi sắc của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý vừa qua vào loại cao nhất trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
“Trong quý I, nhiều mặt hàng của Việt Nam có chỉ số xuất khẩu cao. Các loại rau quả có kim ngạch xuất khẩu hết sức ấn tượng, vượt qua cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như gạo, dầu thô… Thực tế này mở ra khả năng làm giàu cho người nông dân nếu biết khai thác sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Trong quý I/2018, các loại rau quả có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. (Ảnh minh họa: KT) |
“Hiện nay mới chỉ có rất ít ngành, doanh nghiệp sản xuất trong nước khắc phục được điểm yếu nhập siêu như dệt may, giày dép. Khi còn nhiều ngành, doanh nghiệp chưa kiềm chế được nhập siêu cho thấy các doanh nghiệp thực sự chưa có đủ “sức khỏe” để hội nhập quốc tế tốt”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhận định.
Mặc dù nhìn nhận kim ngạch xuất - nhập khẩu quý I/2018 có nhiều thuận lợi, tỷ trọng xuất siêu lớn, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chủ yếu vẫn được đóng góp từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), nên giá trị gia tăng tạo ra được ở Việt Nam rất thấp.
Trong khi thế giới hiện nay đang có nhiều biến động, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn áp đặt thuế lên thép, nhôm và mặt hàng cá da trơn của Việt Nam nên nguy cơ sức ép về thị trường đối với cá và thủy sản của Việt Nam tăng cao.
Mặt khác, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đến nay vẫn đang chờ được phê duyệt, thì từ ngày 1/4 vừa qua, Trung Quốc lại nâng yêu cầu truy suất thông tin nguồn gốc hàng hóa đối với các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam lên một mức cao hơn nữa…Những điều này gây bất lợi cho xuất khẩu trong thời gian tới.
Linh hoạt trước biến động của thị trường
Trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa đối với hàng hóa của các nước ASEAN cũng như các nước kí kết Hiệp định thương mại tự do, thị trường trong nước sẽ không còn là riêng của Việt Nam. Chính vì thế, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của nước ngoài.
Từ thực tế này, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới cần phải có những cố gắng rất lớn trong việc mở rộng, tìm kiếm những thị trường mới. Đặc biệt, cần có những chính sách thích hợp trước những biến động trên thị trường thế giới.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để tăng kim ngạch xuất khẩu hiệu quả, với hàm lượng giá trị gia tăng cao. Mặc dù có nhiều khó khăn về thị trường, song Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng xuất khẩu từ nay đến cuối năm đối với các mặt hàng nông, lâm và thủy sản nếu như đảm bảo tốt các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là vượt qua được “Thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU).
“Nguy cơ chuyển từ “Thẻ vàng” sang “Thẻ đỏ” hiện nay vẫn chưa được loại trừ. Những biến động về thị trường thương mại thế giới, cụ thể là việc đánh thuế tại nhiều quốc gia sẽ gây ra hàng loạt bất ổn và bất ngờ cho xuất - nhập khẩu của Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải tăng cường tính năng động, phản ứng kịp thời đối với các thay đổi từ các thị trường xuất khẩu”, TS. Lê Đăng Doanh nêu rõ./.