Lần đầu tiên thịt gà sạch của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường khó tính là Nhật Bản. Đây là nỗ lực của ngành chăn nuôi trong thay đổi phương thức sản xuất, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gia cầm thời gian tới. 

Với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn gồm Tập đoàn Hùng Nhơn (Việt Nam); Tập đoàn Hoàng Gia De Heus (Hà Lan), công ty Bel Gà (Bỉ) và công ty Koyu & Unitek của Nhật Bản, chuỗi liên kết gia cầm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế Global Gap trong chăn nuôi và tiêu chuẩn HACCP trong chế biến gia cầm sạch mới đây, lô hàng thịt gà đầu tiên của Việt Nam đã được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản, đánh dấu thành công của chuỗi giá trị này…

thit_ga_190717_kuix.jpg
Xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản tạo ra nhiều cơ hội cho sản phẩm nông sản Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản phân tích, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ chứng tỏ sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có thể chinh phục các thị trường khó tính, mà còn giải quyết đầu ra nông sản cho người chăn nuôi gia cầm.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam làm bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ban ngành, địa phương, doanh nghiệp để sản phẩm đặt chân vào thị trường Nhật Bản là 1 thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao. Nhật Bản cũng là thị trường rất tiềm năng của khu vực, góp phần khẳng định trình độ tổ chức chăn nuôi, chế biến và an toàn thực phẩm của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường bậc cao trong khu vực và thế giới”, ông Toản nói.

Cả nước hiện có khoảng 160 chuỗi liên kết chăn nuôi giết mổ, chế biến thương mại và các sản phẩm chăn nuôi được hình thành tại gần 40 tỉnh, thành phố. Theo đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, chi phí đầu tư để xuất khẩu thành công thịt gà cao gấp 3 lần giá bán trong nước, nhưng lợi nhuận tăng thêm khoảng 20%.

Tập đoàn Hùng Nhơn dự kiến mỗi tháng xuất khẩu khoảng 360 tấn gà sạch, đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm đạt khối lượng 2.000 tấn gà sạch xuất khẩu. Nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; liên kết chuỗi theo tín hiệu của thị trường thời gian qua đã giúp cho ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng có thêm nhiều chuỗi liên kết nông sản xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, mặc dù giá trị không lớn với 1 container thịt gà sạch đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nhưng đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho nhiều loại nông sản sang các thị trường giá trị cao nếu xây dựng được chuỗi liên kết giá trị, với doanh nghiệp là “hạt nhân”. Đây là yếu tố quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

“Doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định trong tổ chức lại sản xuất khi vừa là mục tiêu vừa là động lực tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Việc sớm có những cơ chế, chính sách hấp dẫn, thu hút nhiều hơn những doanh nghiệp tham gia đầu tư nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi và xuất khẩu sản phẩm sẽ góp phần quan trọng để ngành thực hiện thành công tái cơ cấu”, ông Ngọc cho biết.

Thẳng thắn nhìn nhận những bất cập và cơ hội của ngành chăn nuôi trong hội nghị mới đây tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu, phải thay đổi cách tiếp cận và có cách làm mới tổ chức sản xuất và khai thông thị trường.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, không chỉ chăn nuôi nông hộ phải thay đổi mà doanh nghiệp tham gia chuỗi cũng phải thay đổi cách tiếp cận. Thay vì chỉ tham gia cung cấp yếu tố đầu vào chất lượng doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ trong bao tiêu đầu ra tiêu thụ, xúc tiến thị trường sản phẩm của ngành chăn nuôi…

“Năm nay khả năng nông sản xuất khẩu đạt từ 34 - 35 tỷ USD. Ngành quyết tâm tổ chức sản xuất theo chuỗi, chế biến thật tốt đồng thời tích cực mở thị trường để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Sản phẩm nông nghiệp cần coi trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu với chất lượng cao nhất để đem về kim ngạch cao nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Mỗi năm ngành nông nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 30 tỷ USD, với 10 ngành hàng có giá trị trên dưới 1 tỷ USD. Việc thịt gà, sản phẩm đầu tiên của ngành chăn nuôi thâm nhập thị trường bậc cao Nhật Bản một lần nữa khẳng định, không chỉ các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực đem về kim ngạch xuất khẩu cao mà còn mở ra cơ hội đối với nhiều loại nông sản khác của Việt Nam nếu tổ chức tốt sản xuất và liên kết theo chuỗi an toàn./.