Tại Đồng Tháp, kể từ khi triển khai thực hiện tái cơ cấu, ngành hàng xoài có thế mạnh hàng đầu, việc vận động bà con tham gia mô hình liên kết gặp không ít khó khăn. Còn gần đây, trước diễn biến tăng giảm của giá cả thị trường thì việc thiếu liên kết đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong sản xuất của nhà vườn trồng loại trái cây đặc sản của địa phương. 

Giá xoài trồi, sụt thất thường một vài năm gần đây đã khiến cho nhà vườn gắn bó với cây xoài tại Đồng Tháp nhiều phen lận đận. Khi đến vụ  chính, xoài rớt giá mạnh. Năm nay, đến vụ nghịch nhưng giá xoài vẫn không mấy khả quan khi có giá hơn 10.000 đồng/kg.

xoai2_pnyg.jpg
Giá xoài ký kết từ đầu vụ vẫn đảm bảo cho nhà vườn có lãi.
Tại vùng chuyên canh xoài lớn của thành phố Cao Lãnh, Công ty TNHH Long Uyên đang thực hiện hợp đồng thu mua xoài tại 2 tổ hợp tác xoài Hòa Long, Xã Hòa An và HTX xoài Tân Thuận Tây. Với mức giá cố định 14.000 đồng/kg từ nay đến hết tháng 12 tới. Hiện mỗi ngày, công ty thu mua từ vài tấn đến vài chục tấn . Mặc dù là vụ nghịch của trái xoài song giá xoài đang giảm mạnh.

Ông Phan Phú Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên thông tin, công ty đã ký kết tiêu thụ với 2 vùng, mỗi vùng được hơn 100 tấn. Hiện giờ đã thực hiện được hơn 50% hợp đồng, hi vọng đến cuối năm sẽ thực hiện tốt việc tiêu thụ xoài.

Với hơn 3 công đất trồng xoài, bà Võ Thị Thu Hương ngụ xã Hòa An thành phố Cao Lãnh đã tham gia liên kết tiêu thụ với công ty Long Uyên được 2 năm nay. Tham gia liên kết, bà Hương có thể an tâm bởi giá mua đã được định ngay từ khi ký.

Bên cạnh đó, với các yêu cầu công ty đặt ra, bà cũng có thể chủ động chăm sóc xoài, chăm sóc vườn cũng như sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ tính ổn định này và thời gian thu hoạch xoài không tập trung do đó bà hoàn toàn có thể giảm bớt chi phí thuê mướn công nhân, giá thành sản phẩm cũng được kéo giảm.

“Nếu hợp đồng bán xoài với thương lái họ sẽ đến vườn thu hái ngay một lúc, còn với công ty ký kết, xoài sẽ cung cấp theo nhiều đợt đến hết thời điểm thu hoạch. Việc kí kết với công ty thu mua sẽ đỡ tốn tiền nhân công, chi phí lại đảm bảo khâu tiêu thụ”, bà Hương chia sẻ.

Hiện các nhà vườn ở thành phố Cao Lãnh đã thực hiện liên kết cung cấp xoài cho các doanh nghiệp được hơn 100 ha trong 2 vụ vừa qua. Thực tế cho thấy, tồn tại lớn nhất hiện nay là số lượng nhà vườn tham gia còn hạn chế, bởi tư tưởng mua đứt bán đoạn trong người dân vẫn còn khá nặng. Hầu hết người dân đều muốn bán một lần và theo giá thị trường.

Ông Đặng Thanh Danh, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Cao Lãnh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để có nguồn nguyên liệu lớn. Từ đó, ký kết với công ty để có đầu ra sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo quy trình VietGap. Thành phố cũng hỗ trợ cho các tổ hợp tác, vận động để các hộ tái chứng nhận VietGap và các tiêu chuẩn an toàn khác.

Là vùng chuyên canh xoài lớn của tỉnh, thế nhưng nhiều nhà vườn thành phố Cao Lãnh vẫn phải chịu tác động mạnh mẽ của diễn biến giá xoài trong thời gian qua. Trong khi đó một bộ phận nhà vườn có hợp đồng liên kết đã có được lợi nhuận để tiếp tục đầu tư. Đó là một sự khác biệt lớn của sự liên kết và không liên kết. Theo các doanh nghiệp tham gia bao tiêu thì nhu cầu vụ xoài trong vụ mùa là không hạn chế. Tuy nhiên số lượng nhà vườn tham gia lại hạn chế.

Liên kết tiêu thụ hàng hóa, nông sản được xem là mắc xích quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành hàng xoài tại Đồng Tháp nói chung. Tuy nhiên, việc triển khai việc liên kết này cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại cần được tháo gỡ từ các Tổ Hợp tác, HTX và chính quyền địa phương. Bởi khi cách thức sản xuất cũ vẫn còn cộng với việc thiếu liên kết thì khi đó trái xoài vẫn chưa thể nâng cao giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà vườn./.