Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, nhiều địa phương ở Sơn La sẽ vào vụ thu hoạch xoài. Với khoảng 20.000 ha xoài, địa phương dự kiến có trên 60.000 tấn quả được xuất bán năm nay.
Ngày thu quả tới gần, cũng là lúc gia đình chị Lò Thị Ly ở xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La tất bật lên nương bao trái xoài. Rút kinh nghiệm từ vụ xoài những năm trước, sản phẩm quả của gia đình chưa đảm bảo mẫu mã, chất lượng, ảnh hưởng đến giá bán và sản lượng tiêu thụ. Năm nay, gia đình đã quan tâm hơn đến quy trình trồng và chăm sóc quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường:
"Gia đình tôi có 4 ha xoài, dự kiến năm nay thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Sản phẩm quả chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, số ít tiêu thụ nội địa, nên chúng tôi chủ động chăm sóc, bao trái cho xoài có mẫu mã đẹp, chất lượng hơn" - chị Lò Thị Ly chia sẻ.
Thành phố Sơn La hiện có hơn 4.000 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, mận, nhãn... Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, một số diện tích xoài của bà con bị thiệt hại bởi mưa axit, nên sản lượng xoài dự kiến giảm so với năm 2021; các loại trái cây khác vẫn phát triển tốt, sản lượng được duy trì và tăng. Thành phố đã chủ động triển khai các phương án, kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La cho biết: "UBND thành phố đã có kế hoạch tổ chức xúc tiến thương mại cho các HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia giới thiệu, cung ứng sản phẩm; Tiếp tục củng cố và phát triển HTX, để đây là đầu mối giúp các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; đưa các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu ra thị trường để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ".
Là vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước với trên 80.000 ha, trái cây Sơn La đa dạng chủng loại, trong đó, chủ lực là xoài và nhãn; còn lại là sơn tra, mận, chuối, cây ăn quả có múi, bơ, chanh leo, hồng giòn... Sơn La đã có 11 sản phẩm quả mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; có 25 sản phẩm OCOP được sản xuất từ quả.
Dự kiến năm nay, sản lượng trái cây toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 450.000 tấn. Để giúp bà con yên tâm lao động, sản xuất, có thu nhập ổn định, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai nhiều phương án, đồng hành, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La chia sẻ: "Năm 2022 chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với nông dân trong tiêu thụ nông sản, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ của hội nông dân, hệ thống sàn thương mại điện tử... Đồng thời, làm việc với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, một số doanh nghiệp xuất khẩu; Phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để triển khai phương án hỗ trợ Sơn La đưa sản phẩm nông sản tham gia vào thị trường khu vực miền Trung, Tây nguyên".
Cùng với đó, tỉnh Sơn La đang quan tâm thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đây là một chuỗi các loại hình, dịch vụ có sự kết nối trong việc đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hiệu quả, đảm bảo thời gian, chi phí tốt nhất, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết: "Chúng tôi xác định logistics là một mắt xích rất quan trọng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Tới đây, Sở Công thương sẽ cùng các sở, ngành tham mưu với tỉnh trong hoạch định, quy hoạch các hạ tầng để phát triển logistics như: giao thông, kho bãi, các dịch vụ, nguồn nhân lực; triển khai các chính sách như thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các trung tâm logistics…".
Năm nay, tỉnh Sơn La sẽ phối hợp tổ chức và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quy mô nhằm kết nối, quảng bá, tiêu thụ nông sản như: Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022; Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản Sơn La năm 2022…
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự chủ động của mỗi hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, hàng trăm nghìn tấn trái cây năm nay sẽ được tiêu thụ tốt, trong đó, có 28.000 tấn quả được xuất khẩu, đưa thương hiệu trái cây Sơn La vươn ra nhiều thị trường trên thế giới./.