Ngày 26/12 Đại hội đồng cổ đông của Vietcombank đã họp bất thường để thông qua chủ trương sáp nhập với một tổ chức tín dụng. Câu hỏi được quan tâm hiện tại chính là ngân hàng nào sẽ về với một trong 5 ngân hàng TMCP lớn nhất này?

Hiện tại nhiều thông tin trên thị trường chứng khoán đang khẳng định đối tác sắp sáp nhập vào Vietcombank là Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Vì trước đó, vào ngày 1/8 năm nay, sau khi một loạt lãnh đạo VNCB dính vòng lao lý, Vietcombank đã công bố sẽ hỗ trợ ngân hàng này.

Tuy vậy, bác bỏ lời khẳng định trên, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết đối tác lần này của Vietcombank nhắm đến là một ngân hàng TMCP nhỏ tại TPHCM. Còn tại Ngân hàng Xây dựng, Vietcombank chỉ cử người tham gia quản lý.

Trước đó, trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh cho biết “khả năng VNCB về với VCB hay không tôi không nói trước được, thời gian sẽ trả lời. Vì bản thân hai ngân hàng đều là cổ phần nên mọi việc nếu có xảy ra sẽ được làm theo quy định của pháp luật”.

Nguồn tin đáng tin cậy trên cho biết đối tác chính có thể sẽ sáp nhập với Vietcombank là Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank).

Một nguồn tin khác từ cơ quan quản lý cũng khẳng định Vietcombank có ý định sáp nhập với SaigonBank. Tuy vậy, vị này cho biết NHNN chỉ mới đồng ý về mặt chủ trương. Sau khi cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập, hai ngân hàng sẽ trình đề án sáp nhập, và chỉ khi NHNN thông qua đề án này, thương vụ mới bắt đầu được xúc tiến. Hiện tại, mấu chốt của việc đàm phán giữa hai ngân hàng vẫn là giá chuyển nhượng, đến giờ việc thỏa thuận vẫn chưa hoàn thành.

Đây là thông tin khá bất ngờ vì Saigonbank vốn dĩ chưa nằm trong nhóm các ngân hàng yếu nhất, buộc phải sáp nhập, hợp nhất theo đề án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước. Vị này cho rằng việc sáp nhập là từ sự tự nguyện của hai ngân hàng.

Saigonbank có vốn điều lệ 3.080 tỉ đồng, Nếu so sánh vốn điều lệ, hiện tại Saigonbank là một trong những ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất trong hệ thống, nhưng ngân hàng vẫn chưa rơi vào tình trạng thua lỗ trong các năm qua.

Tuy vậy cũng như nhiều ngân hàng khác, Saigonbank kinh doanh không hiệu quả lắm trong năm 2014. Cụ thể, đến hết ngày 30-9, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 203 tỉ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ, lãi sau thuế cũng giảm mạnh, chỉ đạt 163 tỉ đồng.

Cổ đông lớn của Saigonbank, ngoài Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm 18,18% cổ phần, còn lại là các công ty TNHH một thành viên (TNHH MTV) nắm cổ phần chi phối. Cụ thể như Công ty Dịch vụ và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận nắm 16,64% cổ phần, Công ty TNHH MTV Thương mại Kỳ Hòa chiếm 16,35%, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM chiếm 14,08%, Vietinbank chiếm 10,39%. Cổ đông khác chiếm 24,35% cổ phần. Vietcombank hiện chỉ nắm dưới 5% cổ phần của Saigonbank

Nợ xấu đến hết 30/9 của SaigonBank là 2,69% trên tổng dư nợ, cao hơn so với con số 2,24% hồi đầu năm./.