Giá vàng SJC trong nước tuần qua dao động nhẹ ở khoảng trên 40 triệu đồng/lượng. Trong phiên giao dịch đầu tuần (10/6), giá vàng được niêm yết ở mức 40,80 triệu đồng/lượng, phiên cuối tuần sáng nay (15/6), giá vàng hiện đang ở mức 40,55 triệu đồng/lượng. Nếu vàng giữ ổn định với mức này, trong tuần qua giá vàng giảm 250.000 đồng/lượng.

Giảm giá vàng vẫn chênh lệch ở mức cao

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức thành công 3 phiên đấu thầu vàng miếng với tổng số lượng chào thầu 78.000 lượng. Ở phiên thứ 29, 30, với cùng khối lượng chào thầu là 26.000 lượng, đã có 11 thành viên trúng thầu là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN. Giá trúng thầu cao nhất là 40,66 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là là 40,63 triệu đồng/lượng. Trong cả hai phiên này ngân hàng đều dư 100 lượng.

635391.jpg
Sau 31 phiên đấu thầu vàng, khối lượng trúng thầu đạt 787.300/874.000 lượng chào thầu. (Ảnh: TTO)

Phiên đấu thầu thứ 31 diễn ra ngày 14/6, với khối lượng chào thầu 26.000 lượng, NHNN thiết lập giao dịch với 11 doanh nghiệp, lượng vàng giao dịch thành công đạt 25.7000 lượng, ngân hàng dư 300 lượng vàng.

Đến thời điểm này, các ngân hàng đang chạy nước rút để đóng trạng thái huy động vàng trước ngày 30/6 theo quy định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 5 - 6 ngân hàng chờ tất toán. Uớc tính, NHNN đã chi ra khoảng 1 tỉ USD (10% kim ngạch nhập khẩu hằng tháng của cả nước) để nhập khẩu vàng và thu về khoản lợi nhuận cho ngân sách khoảng 117 triệu USD. NHNN công bố sẽ bán thêm khoảng 10 tấn vàng nữa nhằm hỗ trợ các NH trả lại vàng cho người gửi.

Mặc dù áp lực mua vàng từ các ngân hàng không còn nhiều như trước nhưng khoảng cách chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước vẫn không rút ngắn lại hơn. Tính đến thời điểm ngày hôm nay, giá vàng thế giới hiện vẫn đang thấp hơn giá vàng trong nước 5,4 triệu đồng/lượng.

Trả lời trên báo Thanh Niên, ông Trần Thanh Hải – TGĐ Công ty CP kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) nhận định: “Sau ngày 30/6, tôi không nghĩ khoảng cách chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước thấp hơn mức 3 triệu đồng/lượng. Bởi giá vàng hiện đang ở mức đáy trong vòng 3 năm trở lại đây. NHNN không dễ gì xuất ngoại tệ hoài để mua vàng. NHNN phải cân đối làm sao có một khoảng cách an toàn trong trường hợp dùng USD nhập khẩu vàng. Quy trình nhập khẩu vàng sẽ phải mất nhiều ngày mới có vàng, trong khi giá vàng biến động liên tục nên độ rủi ro về giá cao”.

Cũng trong tuần qua, ngày 12/6, Thống đốc NHNN - Nguyễn Văn Bình đã có văn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề điều hành vàng. Theo đó, trong thời gian qua, NHNN từng xem xét tính toán cụ thể khả năng cơ quan này tổ chức huy động vàng của dân cư, sau khi các tổ chức tín dụng chấm dứt việc huy động vàng.

Tuy nhiên, các tính toán cho thấy, việc NHNN đứng ra huy động vàng từ dân cư có một số điểm bất lợi: Chi phí bỏ ra khá lớn, số vàng huy động được nếu đi đầu tư ở nước ngoài trong thời điểm hiện nay thì NHNN dự kiến sẽ phải chịu lỗ do mất phí chuyển đổi thành vàng tiêu chuẩn quốc tế và tỷ suất sinh lời rất thấp. Ngoài ra, còn phải chịu rủi ro về thanh khoản vàng như các tổ chức tín dụng khi người dân đến rút vàng.

Vẫn theo người đứng đầu ngành ngân hàng thì với việc chấm dứt hoạt động huy động vàng của các tổ chức tín dụng, cách hiệu quả nhất để chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước là NHNN mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Và để thực hiện mục tiêu này cần phải có một số điều kiện như: Tiếp tục duy trì, củng cố giá trị đồng Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động vàng và áp dụng các biện pháp kinh tế để khuyến khích người dân bán vàng.

Giá vàng thế giới dao động trong khoảng hẹp

Đầu tuần qua, giá vàng thế giới niêm yết trên sàn Kitco tại 1.386,5 USD/oz, tăng 1,9 USD/oz so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước. Trên sàn Comex cùng, giá vàng hợp đồng kỳ hạn giao tháng 8 tăng 2,5 USD/oz, giao dịch mức 1.385,5 USD/oz. Sáng nay, giá vàng đang ở mức 1.387 USD/oz.

Với mức giá này, vàng thế giới được xem như phục hồi nhẹ từ mức thấp nhất 2 tuần khi kỳ vọng nhu cầu vàng tại châu Á làm nơi trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục tăng. Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc cũng phê chuẩn thành lập 2 quỹ tín thác vàng đầu tiên của nước này trong bối cảnh các quỹ tín thác trên thế giới ồ ạt bán ra. Bên cạnh đó, ngân hàng Deutsche Bank cho biết đã xây thêm kho dự trữ vàng mới, có sức chứa tới 200 tấn tại kho Freeport của Singapore.

Sau khi kết thúc 2 ngày họp chính sách, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ra quyết định tiếp tục bơm 140.000 tỷ yên trong 2 năm tới tức là giữ nguyên chương trình nới lỏng tiền tệ, không đạt được kỳ vọng của giới đầu tư. Trước đó, các nhà đầu tư cho rằng nước này sẽ mở rộng chính sách nới lỏng tiền tệ hơn nữa nhờ hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Giá vàng thế giới lập tứ xuống thấp nhất 3 tuần tại mức 1.366,6 USD/oz, sau khi BOJ tuyên bố không đưa thêm kích thích tiền tệ, đồng thời lo ngại các ngân hàn trung ương khác ngừng gói kích thích.

Tuy nhiên, giá vàng phục hồi trở lại khi chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 giảm 1% và đồng đô la giảm giá 0,2% so với các tiền tệ chủ chốt. Các chuyên gia cho biết, các thị trường tài chính đang chờ đợi cuộc họp chính sách hai ngày của FED diễn ra vào ngày 18-19/6. Theo khảo sát của Reuters, một số chuyên gia dự báo FED sẽ giảm kích thích ngay từ tháng 9 tới.

Các số liệu kinh tế lạc quan trên càng nhấn mạnh khả năng FED ngừng gói nới lỏng tiền tệ. Chuyên gia cho biết, việc FED dần ngừng gói kích thích làm tăng lãi suất ngắn hạn Mỹ, được phản ánh trong lợi suất trái phiếu kho bạc. Điều này ngăn cản vàng tăng giá do làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Lo ngại việc này cũng là một nguyên nhân khiến giá vàng giảm 18% kể từ đầu năm nay, và giảm tổng cộng 27% kể từ mức kỷ lục hồi tháng 9/2011.

Giá vàng giảm 1% phiên ngày thứ Năm trong tuần qua khi số liệu kinh tế Mỹ cho thấy nhiều khởi sắc. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ giảm còn 334.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 8/6, so với 346.000 đơn một tuần trước đó. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 5.

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, giá vàng thế giới còn chịu sức ép khi nhu cầu vàng vật chất tại Ấn Độ giảm mạnh./.