Trong tuần qua, mức thấp nhất của giá vàng là 32,78- 32,9 triệu đồng/lượng khi mở cửa phiên hôm 11/8. Chỉ 2 ngày sau đó, ngày 13/8, vàng đã tiến đầy ngoạn mục, chinh phục thành công mức 35 triệu đồng/lượng.

Tác nhân cho bước tăng này là động thái phá giá tiền tệ 3 lần liên tiếp trong 3 ngày (11-13/8) của Trung Quốc, và việc Ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ tỷ giá VND/USD, đồng nghĩa với việc giảm giá tiền đồng.

Đáng chú ý, trong buổi sáng 13/8, bảng điện tử của các doanh nghiệp vàng trong nước “nhảy múa” liên tục, có doanh nghiệp điều chỉnh tăng tới gần 10 lần. Chỉ tính riêng từ đầu giờ sáng đến cuối giờ trưa, giá vàng đã tăng hơn 1 triệu đồng mỗi lượng, chạm ngưỡng 35 triệu đồng - mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 5/2015. Tuy nhiên, mức tăng này nhanh chóng giảm nhiệt ngay sau đó. Đến đầu giờ chiều, giá vàng phục hồi trở lại và duy trì trong biên rộng ở mức 34,20-34,80 triệu đồng/lượng.

gia_vang_cham_dinh_ghrw.jpg
Tuần qua, vàng trong nước chinh phục mốc 35 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua – bán vàng trong tuần có thời điểm giãn đến mức 800.000 đồng/lượng. Việc nới rộng biên độ giá mua vào – bán ra là động thái thường thấy của các doanh nghiệp, nhằm hạn chế giao dịch trước những biến động khó lường của thị trường.

Cũng có lúc, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng lên mức 4,2 triệu đồng/lượng, thay cho mức 3,8 triệu đồng/lượng thường thấy trước đó. Trên thị trường toàn cầu, giá kim loại quý leo lên mốc cao nhất trong tuần ở mức 1125.60/ounce trong phiên giao dịch ngày 13/8.

Hiện tại, theo Kitconews, giá vàng thế giới hiện đang đứng mốc 1.113,60 USD/ounce, trong khi vàng SJC trong nước dao động trong khoảng 33,65 – 34,25 triệu đồng/lượng.

Vàng không phải là nơi trú ẩn an toàn

Trong cả tuần, giá vàng tăng gần 2% sau khi liên tiếp giảm trong 7 tuần trước đó. Nguyên nhân do nhu cầu trú ẩn vào các tài sản an toàn của thị trường tăng mạnh sau khi Trung Quốc quyết định phá giá nhân dân tệ trong 3 ngày liên tiếp tính đến ngày 13/8.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất vẫn chưa thể phục hồi, theo một số chuyên gia thị trường. Theo báo cáo vừa công bố của Hội đồng vàng thế giới, trong quý II, nhu cầu tiêu thụ vàng của toàn thế giới giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 914,9 tấn, trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

Trao đổi với Người đồng hành - Chuyên mục Thông tin Tài chính của Tạp chí điện tử Nhịp Sống Số, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả cho biết, sở dĩ giá vàng trong nước liên tục nhảy múa trong những ngày qua là do giá vàng thế giới tăng, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Thêm vào đó, ông Long khẳng định việc giá vàng tăng còn do yếu tố tâm lý đám đông của người dân.

Từ đó TS. Long khẳng định, vàng không phải là nơi trú ẩn an toàn ngay lúc này của nhà đầu tư. Diễn biến giá vàng thất thường mấy ngày nay, cùng với việc đặt niềm tin vào vàng có thể gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư./.