Việt Nam hiện đang được áp thuế tự vệ trong ngành thép đối với phôi thép là 23% và giảm dần 1-2% mỗi năm trong vòng 4 năm. Đến tháng 3/2020 thuế nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam sẽ giảm về 0% nếu không có quyết định gia hạn.

Nhiều chuyên gia trong ngành thép cho rằng, thuế tự vệ chỉ là biện pháp tạm thời giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng để đối mặt với áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

nganh_thep_copy_hxkq.jpg
 Nhiều chuyên gia trong ngành thép cho rằng, thuế tự vệ chỉ là biện pháp tạm thời giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất (Ảnh minh họa: KT)
Năng lực sản xuất thép của cả nước hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Một số sản phẩm thép có lượng xuất khẩu cao như: tôn mạ và sơn phủ màu, ống thép, thép cán nguội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều quặng sắt, than mỡ, thép phế, thép tấm cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo...

Theo dự báo của Bộ Công Thương, thép thành phẩm năm nay sẽ tăng trưởng tới 12% so với năm ngoái. Trước thực trạng này, Việt Nam đã áp thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá lên thép Trung Quốc. Bởi tại thị trường Việt Nam, tính đến cuối 2015 và giữa năm 2016, thép Trung Quốc chiếm 15-20% về phôi thép và thép xây dựng, tôn mạ và tôn màu chiếm 50%. Điều này rất nguy hiểm khi Trung Quốc khống chế ngành thép Việt Nam thì họ sẽ tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh như vậy, việc áp thuế tự vệ để bảo vệ cho sản xuất trong nước là rất cần thiết, là khoảng thời gian giúp cho doanh nghiệp thép củng cố lại năng lực của mình để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng để đối mặt với áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, áp thuế tự vệ chỉ là biện pháp tạm thời.

Ông Sưa chia sẻ, theo thông lệ quốc tế thì các nước vẫn được sử dụng công cụ phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước, đó là những hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại. Những biện pháp này giúp cho các nhà sản xuất trong nước trong bối cảnh mới xây dựng, mới thành lập hay quy mô còn nhỏ hoặc năng lực cạnh tranh còn hạn chế để có điều kiện, thời gian đầu tư tiếp tục vào công nghệ, quản lý để mà nâng cao năng lực cạnh tranh và tồn tại trong quá trình hội nhập quốc tế.

Vì vậy, theo ông Sưa, Việt Nam sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là rất cần thiết. Những biện pháp phòng vệ thương mại cũng chỉ là những biện pháp nhất thời có tác dụng trước mắt. Về lâu dài các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thì mới có thể tồn tại và phát triển được./.