Tại một hiệu thuốc lớn trên đường Tây Sơn, Hà Nội, có hàng nghìn loại thuốc được bán, nhưng rất khó để người tiêu dùng tìm thấy những sản phẩm thuốc trong nước sản xuất. Ngay cả những loại thuốc thông thường nhất như đau đầu, cảm cúm… cũng đều là thuốc ngoại. Bản thân dược sĩ cũng chủ yếu tư vấn cho người tiêu dùng sử dụng thuốc ngoại thay vì thuốc trong nước sản xuất.
“Mình mua thuốc theo đơn, có cả thuốc ngoại lẫn thuốc nội, nhưng bác sĩ kê thuốc ngoại nhiều hơn”, một khách hàng cho biết.
Sự đa dạng về chủng loại, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng và đặc biệt là tỷ lệ chiết khấu hoa hồng cao, là những lý do khiến các đại lý chỉ muốn bán thuốc ngoại. Mặc dù nhiều loại thuốc trong nước sản xuất như thuốc trị cảm cúm, thuốc kháng viêm… có chất lượng không thua kém thuốc ngoại và giá thành chỉ bằng một nửa.
Đơn cử như trường hợp của CTCP Dược Trung ương Mediplantex - một trong những doanh nghiệp trong nước sản xuất thuốc. Hiện công ty sản xuất khoảng 300 đầu thuốc, được phân phối tới hơn 4.000 đại lý nhưng bản thân đại diện doanh nghiệp cũng phải thừa nhận do tỷ lệ chiết khấu không cao nên khâu phân phối không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp trong nước thay vì đẩy mạnh sản xuất, lại chuyển dần sang nhập khẩu như Haphaco, hay công ty Dược phẩm Trung ương 2. Trên thực tế, nhập khẩu mang lại lợi nhuận cao hơn so với sản xuất, điều này lý giải vì sao mà các sản phẩm thuốc trong nước ngày một teo tóp.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam công bố số liệu cho thấy: Cả nước hiện có hơn 2.300 doanh nghiệp đăng ký chức năng kinh doanh dược phẩm, nhưng chỉ gần 1/10 trong số đó là sản xuất thuốc, có nghĩa thị trường thuốc chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại lại là những đơn vị chiếm thị phần lớn về nhập khẩu và phân phối. Chưa thể khẳng định các doanh nghiệp ngoại có thể thao túng thị trường thuốc trong nước hay không, nhưng xem ra nguy cơ không phải không có./.